Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025, ngày 3/7, lãnh đạo các địa phương cho biết, tình hình kinh tế – xã hội tại các địa phương đạt kết quả tốt. Từ nay cho đến cuối năm sẽ tập trung vào những nhóm giải pháp lớn, trọng tâm để cùng Chính phủ đưa nền kinh tế đất nước tăng trưởng đạt 8% như kế hoạch đã đề ra.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của thành phố ước tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kịch bản xây dựng đầu năm (kịch bản 7,59%) và cao nhất trong 3 năm gần đây (GRDP 6 tháng đầu năm 2024 và 2023 tăng tương ứng 6% và 5,97%).
Trong nửa đầu năm nay, khu vực dịch vụ đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Hà Nội với tăng trưởng đạt 8,42%, đóng góp 5,76 điểm % vào mức tăng GRDP chung.
6 tháng, toàn thành phố thu hút khoảng 3,68 tỷ USD vốn FDI, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 192 dự án đăng ký cấp mới với số vốn đạt 237,5 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn với khoảng 3,14 tỷ USD; 173 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 296,5 triệu USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 455.200 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách nhà nước của Thành phố trong 6 tháng ước đạt 392.100 tỷ đồng, bằng 76,3% dự toán pháp lệnh năm và tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Về một số công trình trọng điểm trên địa bàn, hiện dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đã giải ngân 17,3% kế hoạch vốn; dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (giai đoạn 1) đã giải ngân 51,4% kế hoạch vốn; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai đã giải ngân 21% kế hoạch vốn; dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội – Hoà Bình đã giải ngân 31,7% kế hoạch vốn.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, với kết quả nêu trên, Thành phố cam kết phấn đấu cùng Chính phủ đạt mức tăng trưởng 8% như kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, vấn đề đất dịch vụ ở Hà Nội đang gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu xoay quanh việc chậm trễ giao đất, thiếu sót trong chính sách và tình trạng đất dịch vụ bị bỏ hoang. Vì thế, Thành phố kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét và có hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong việc hoàn thiện thủ tục giao đất và giải quyết tình trạng đất bỏ hoang, hoặc xin phép Thủ tướng ủy quyền cho Thành phố giải quyết vấn đề này.
Là trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố đều tăng trưởng. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng của Thành phố ước đạt 304.369 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Hoạt động xuất, nhập khẩu của thành phố tiếp tục ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố ước đạt 56,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,6 tỷ USD, tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 13,1%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2024 (cùng kỳ tăng 4,6%).
Về tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, Thành phố đạt 321.892 tỷ đồng, bằng 61,89% dự toán, tăng 20,38% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 256.779 tỷ đồng (tăng 24,42%), thu từ xuất nhập khẩu hơn 65.020 tỷ đồng (tăng 6,58%).
Đáng chú ý, thành phố đã phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao, cả vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (tổng cộng hơn 85.000 tỷ đồng), điều này thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm.
Thành phố cũng đã cắt giảm 10% chi thường xuyên (trừ lương và các khoản chi theo lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, với số tiền là 1.417 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng tiết kiệm, hạn chế hội họp hình thức và lãng phí thời gian.
Nhìn chung, nguồn vốn ngân sách trong tổng số đầu tư toàn xã hội đã được sử dụng để đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, TPHCM đang tập trung vào việc tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông các dự án đang bị tắc nghẽn, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trong những giải pháp chính là rà soát, giải quyết các dự án tồn đọng, để khơi thông nguồn lực.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập vào TPHCM nên việc giải quyết hồ sơ phi địa giới còn trục trặc. Nguyên nhân là do sự thay đổi về địa giới, hệ thống quản lý và quy trình làm việc, dẫn đến sự chưa thống nhất và chưa quen thuộc trong quá trình xử lý hồ sơ. Vì thế, Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ giải quyết xong vấn đề này.
Vĩnh Hoàng
Theo VGP