Gần đây, cụm từ “kinh tế số” đã được các phương tiện truyền thông và thậm chí cả các nhà kinh tế nhắc đến như một cụm từ thời thượng. Nhiều chuyên gia còn “mạnh dạn” dự đoán nền kinh tế số sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm tổng sản phẩm trong nước (GDP) hoặc nền kinh tế số sẽ tạo ra bao nhiêu phần trăm tăng trưởng GDP.

Trong bài viết này, nhóm tác giả không chú trọng xem xét đến tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số là bao nhiêu GDP, mà chỉ tập trung vào phân tích vai trò của nhóm ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong quan hệ với các nhóm ngành khác của nền kinh tế.
Việc sử dụng rộng rãi dịch vụ viễn thông, Internet, mạng di động và các công nghệ mới như Internet vạn vật, điện toán đám mây, khoa học dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh… cho thấy sự phổ biến của công nghệ thông tin (CNTT) đối với các hoạt động kinh tế. Thực tế này đã thúc đẩy một số nghiên cứu về CNTT và tác động qua lại của nó đến nền kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, đánh giá định lượng về tác động của CNTT đến nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa nhiều và còn nặng tính báo cáo.
Các tính toán dựa trên bảng cân đối liên ngành dạng phi cạnh tranh đưa ra một số vấn đề về tầm quan trọng tương đối của một nhóm ngành trong nền kinh tế, cho thấy không phải cứ ngành nào có tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP cao là ngành đó quan trọng.

Tính toán cho thấy, cả chỉ số lan tỏa và độ nhạy của hai nhóm ngành sản xuất và dịch vụ ICT đều thấp hơn mức trung bình của nền kinh tế khá nhiều (với chỉ số lan tỏa lần lượt là 0,827 và 0,877; độ nhạy là 0,64 và 0,612), nghĩa là sản phẩm cuối cùng của hai nhóm ngành này không lan tỏa nhiều đến sản xuất trong nước của nền kinh tế (bao gồm đến chính nó và các ngành khác). Hơn nữa thông qua độ nhạy của nền kinh tế cho thấy mức độ cần thiết của những sản phẩm này từ sản xuất trong nước đối với nền kinh tế cũng chưa cao.
Mặc dù sản phẩm cuối cùng của sản xuất ICT không lan tỏa đến sản xuất trong nước nhưng lại lan tỏa đến nhập khẩu rất mạnh, điều này có nghĩa sản phẩm phụ trợ trong nước cho việc sản xuất ICT là tương đối yếu kém. Sản xuất ICT của Việt Nam chủ yếu lan tỏa đến nhập khẩu, đồng nghĩa với việc kích thích sản xuất của nước khác. Cũng có thể thấy dịch vụ ICT của Việt Nam chưa thực sự phát triển, ngành này lan tỏa ít đến sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu.
Một điều ngạc nhiên là các nhà hoạch định chính sách luôn muốn cơ cấu giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông nghiệp và thủy sản chiếm trong GDP nhỏ đi và coi đó là thành tích, trong khi chỉ số lan tỏa của nhóm ngành này đến sản lượng và giá trị tăng thêm lại rất tốt, nếu không muốn nói là tốt nhất. Trong khi đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (không kể công nghiệp chế biến, chế tạo sản phẩm nông nghiệp) tuy lan tỏa mạnh đến sản lượng, nhưng lại lan tỏa rất kém đến giá trị tăng thêm. Phải chăng có sự hiểu nhầm gì đó hay là do sự nhận thức hạn chế về công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở nước ta?
Sản xuất ICT lan tỏa đến xuất khẩu đóng góp tới 90,81% vào giá trị tăng thêm, trong khi tiêu dùng cuối cùng và đầu tư chỉ lan tỏa đến giá trị tăng thêm của ngành sản xuất ICT 4,14% và 5,05%. Điều này cho thấy sản phẩm của ngành này cơ bản của khu vực FDI cho xuất khẩu.
Với ngành dịch vụ ICT, tiêu dùng cuối cùng lan tỏa đến giá trị tăng thêm là cao nhất (62,47%) (bảng 1).
Tóm lại, kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy ngành ICT trong nước chưa phát triển mạnh, cơ bản vẫn sử dụng sản phẩm nhập khẩu. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, cụ thể hơn là tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân. Để nhóm ngành này phát triển kích thích các ngành khác, không chỉ bản thân ngành này phát triển mà các ngành khác phải nghiên cứu – phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm phụ trợ làm đầu vào cho ngành ICT. Hơn nữa, ngành ICT trong nước cũng phải phát triển thông qua R&D để làm đầu vào trong quá trình sản xuất các ngành khác.
Khúc Văn Quý – Bùi Trinh
Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn