Hôm nay (16/4), Bộ trưởng Bộ Phục hồi kinh tế Nhật Bản Akazawa Ryosei chính thức lên đường tới Mỹ để tham dự cuộc đàm phán liên quan chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Akazawa nhấn mạnh quan điểm của Nhật Bản là “xác định các lĩnh vực đàm phán không gây tổn hại đến an ninh quốc gia”.
Trong một tuyên bố trước khi lên đường đến Mỹ để đàm phán về mức thuế quan mới, ông Akazawa – nhân vật đang giữ trọng trách đặc phái viên đàm phán của Thủ tướng Nhật Bản, nhấn mạnh rằng, “mỗi ngày trôi qua, lợi nhuận của các công ty Nhật Bản đang bị xói mòn”. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản là đạt được kết quả sớm nhất có thể và Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu này.

Ông Akazawa cũng khẳng định, phía Nhật Bản sẽ “lắng nghe một cách cẩn trọng những yêu cầu của phía Mỹ, linh hoạt trong phản ứng”, đồng thời “xác định các lĩnh vực đàm phán không gây tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Nhật Bản”.
Trong các cuộc làm việc, ông Akazawa có kế hoạch giải thích với phía Mỹ về việc nước này đang đóng góp cho nền kinh tế Mỹ và việc làm thông qua các khoản đầu tư khổng lồ, bày tỏ hy vọng điều này sẽ tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán mang tính xây dựng. Ông cũng sẽ cân nhắc các lĩnh vực có thể thương lượng, đồng thời kêu gọi phía Mỹ xem xét lại các biện pháp thuế quan.
Theo kế hoạch, vào ngày mai (17/04, theo giờ Nhật Bản), ông Akazawa sẽ có cuộc thảo luận về các vấn đề thuế quan của Mỹ với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.
Giới chuyên gia nhận định, Nhật Bản và Mỹ hiện có nhiều quan điểm khác nhau về các nội dung chính trong đàm phán. Theo đó, trong khi Nhật Bản nỗ lực thu hẹp các lĩnh vực mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump tìm kiếm, thì Mỹ lại tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại. Đây được xem là ưu tiên của Tổng thống Donald Trump. Vì vậy, việc giải quyết những khúc mắc này được ví như thuốc thử đối với Nhật Bản để đạt được mục tiêu trong các cuộc đàm phán.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm cho rằng để giảm thâm hụt thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ, các cuộc đàm phán liên quan mức thuế quan đối với ngành ô tô và phụ tùng ô tô – nguyên nhân cốt lõi gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ, sẽ đóng vai trò then chốt trong các chương trình nghị sự. Bên cạnh đó là những vấn đề về mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ, vấn đề Nhật Bản mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) do Mỹ sản xuất…
Hiện nay, Nhật Bản được cho là đang có một số lợi thế đàm phán, liên quan những khoản đầu tư khổng lồ vào Mỹ mà Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản cam kết từ trước đến nay. Bên cạnh đó là vị thế đồng minh chiến lược của Nhật Bản đối với Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những lợi thế này giúp Nhật Bản có nhiều niềm tin để có thể đạt được thỏa thuận miễn hoặc giảm ở mức thấp nhất mức thuế quan mà Mỹ dự định sẽ áp đặt đối với nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản.
Ngọc Huân
Theo VOV