Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie nhấn mạnh mức thuế quan mới nhất do Mỹ áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực đến Kênh đào Suez.

Theo truyền thông Ai Cập, phát biểu tại một cuộc họp báo trong tuần này, ông Rabie cho biết, hàng hóa Trung Quốc chiếm một phần đáng kể trong khối lượng thương mại qua Kênh đào Suez và việc áp mức thuế đối ứng đối với chúng sẽ ảnh hưởng đến tỷ trọng hàng hóa được vận chuyển qua Kênh đào Suez.
Theo ông Rabie, SCA đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan.
Người đứng đầu SCA cũng chỉ ra rằng, Kênh đào Suez đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình chính trị hiện nay ở cả khu vực và toàn cầu, đồng thời cho hay tình hình ở Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab đã khiến Kênh đào Suez thất thu hơn 7 tỷ USD trong năm 2024.
Kênh đào Suez là tuyến hàng hải thương mại toàn cầu, cách ly với bất kỳ cuộc khủng hoảng chính trị hoặc quân sự nào, nhưng cuối cùng tuyến đường thủy kết nối giữa châu Á với châu Âu này vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi vị trí địa lý của nó và các cuộc xung đột khu vực. Giao thông hàng hải ở Biển Đỏ không chỉ đối mặt với mối đe dọa từ tháng 12/2023 mà cả những mối đe dọa trong tương lai.
Ông Rabie dự báo hoạt động vận chuyển qua Kênh đào Suez sẽ được cải thiện vào tháng 6/2026, khi tất cả các hãng vận tải biển sẽ nối lại hành trình qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez vào cuối năm 2025, miễn là các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen chấm dứt hoàn toàn.
Trước đó, phát biểu trong một buổi lễ tại tỉnh Ismailia ở khu vực Đông Bắc Ai Cập, ông Rabie nhấn mạnh rằng, SCA vẫn cam kết thực hiện chiến lược đầy tham vọng của mình tập trung vào phát triển toàn diện, đặc biệt là việc mở rộng liên tục tuyến đường thủy của kênh đào và hiện đại hóa đội tàu biển.
Ông Rabie đã nêu bật các kế hoạch đang triển khai nhằm giới thiệu những dịch vụ mới tại kênh đào Suez, chẳng hạn như cung cấp nhiên liệu, cứu hộ hàng hải, hộ trợ y tế khẩn cấp trên biển, kiểm soát ô nhiễm, bảo dưỡng và sửa chữa tàu, trao đổi thủy thủ đoàn. Tất cả những nỗ lực này đều có mục đích rộng hơn là nhằm định vị kênh đào Suez là trung tâm khu vực cho các dịch vụ hàng hải và hậu cần.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly mới đây tái khẳng định cam kết của Cairo đối với các giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng khu vực, giữa lúc bất ổn ở Biển Đỏ đã khiến doanh thu của Kênh đào Suez giảm mạnh từ mức kỷ lục 10,25 tỷ USD ghi nhận vào năm 2023 xuống còn 3,99 tỷ USD trong năm 2024.Làn sóng tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu biển thương mại ở Biển Đỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu cũng như hoạt động vận chuyển qua Kênh đào Suez. Bất chấp những thách thức đó, ông Madbouly nhấn mạnh vai trò của Ai Cập như một lực lượng ổn định khu vực, khẳng định rằng Cairo đã nỗ lực tránh bất kỳ hành động nào có thể làm suy yếu an ninh khu vực.
Ai Cập đã lựa chọn giải pháp chính trị và cố gắng làm việc với các đối tác quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng trong khi đảm bảo hoạt động liên tục của Kênh đào Suez.
Chu Văn
Theo Baoquocte