Năm 2025 được dự đoán là năm nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, chuyển đổi số có thể là phương thức giúp thay đổi “luật chơi” để Việt Nam đón kỷ nguyên mới.

Năm 2025 đã qua 1/4 chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn đang quyết tâm thực hiện tầm nhìn phát triển của mình trong kỷ nguyên mới. Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng một hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.Cải cách bộ máy, loại bỏ các khâu trung gian
Tại buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024 diễn ra mới đây, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2024 vẫn còn không ít hạn chế cần phải khắc phục. Bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả; chất lượng tăng trưởng chưa cao, xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; khả năng tự chủ về công nghệ còn thấp…
Tất cả những điều đó là một phần kết quả của hoạt động quản lý điều hành của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sẽ được phản ánh qua chỉ số PAPI, tấm gương phản chiếu hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thông qua lăng kính của người dân.
Theo PGS.TS Dương Trung Ý, cuộc cải cách bộ máy lần này là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử nhằm khắc phục điểm nghẽn của điểm nghẽn, đó là loại bỏ các khâu trung gian, chồng lấn, hướng tới một chính quyền gần dân hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
“Cuộc cải cách lần này chắc chắn còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng đây là quyết định tất yếu, không thể không làm nếu muốn Việt Nam phát triển bứt phá, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã đề ra. Cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc và phương thức hoạt động của các cấp chính quyền”, PGS.TS Dương Trung Ý nhấn mạnh.
TS Edmund Malesky, Giáo sư Khoa học Chính trị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế, Đại học Duke, Hoa Kỳ – Tổng Công trình sư của nghiên cứu PAPI 5 năm trở lại đây, là chuyên gia quốc tế về đo lường quản trị công – đánh giá, Việt Nam đang trải qua công cuộc tái sắp xếp, sáp nhập các tỉnh thành. Khi sắp xếp các tỉnh, thành có cấp độ quản trị khác nhau, vậy thủ phủ chính nên đặt tại tỉnh, thành nào sẽ phù hợp hơn cho công tác quản trị công cho tỉnh mới.
“Khảo sát PAPI 2024 được thực hiện đại diện cho điểm số cho thấy, cơ cấu hành chính mới trong đó có trung tâm hành chính mới được lựa chọn đặt ở nơi có hoạt động hành chính hiệu quả hơn. Ví dụ, khi tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất, trung tâm hành chính được đặt tại Bắc Giang, bởi ở đây được ghi nhận bộ máy giải quyết thủ tục hành chính được số hóa tốt hơn, nhanh gọn hơn”, TS Edmund Malesky phân tích.
Chuyển đổi số có thể là phương thức thay đổi “luật chơi”
Chính phủ đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực công, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công. Bảo vệ môi trường được chú trọng, chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được triển khai mạnh mẽ.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công UNDP, những cải cách trong tổ chức chính quyền địa phương hiện nay là cơ hội lớn để giải quyết những điểm nghẽn trong thực thi chính sách bởi các tỉnh, thành phố có thể học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt từ các địa phương.
“Chuyển đổi số có thể là phương thức thay đổi “luật chơi”. Do đó, cần tiếp tục phát triển quản trị điện tử, quản trị số, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm tiếp tục nâng cao tính minh bạch và cải thiện hiệu quả cũng như điều kiện tiếp cận dịch vụ công”, bà Đỗ Thanh Huyền chia sẻ.
Theo khảo sát của PAPI, chỉ số điện tử đã có những dấu hiệu tích cực khi tăng từ 1% người dùng đã làm thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công năm 2021 lên gần 14% trong năm 2024.
Một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Tây Ninh đã ghi nhận tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cao hơn. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của quản trị điện tử trong việc nâng cao hiệu quả hành chính công và cải thiện trải nghiệm của người dân.
“Với việc cải cách bộ máy, tinh gọn, loại bỏ các khâu trung gian, kỳ vọng chính phủ số, quản trị số sẽ sớm đi vào thực tế hơn”, bà Huyền bày tỏ.
Trước đó, trong bài viết về chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Theo đó, hướng tới hai mục tiêu 100 năm (2030 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và trở thành một nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao).
Lợi ích của chuyển đổi số cũng thúc đẩy thay đổi công tác quản trị của Chính phủ. Trước đây, bộ máy phải chia nhỏ vì sợ khó quản lý được, nhưng nhờ “môi trường số”, hiện nay từ Trung ương có thể “nhìn” thấy ở tận xã đang làm gì. Việc này tạo động lực cho phân cấp, phân quyền, giải bài toán giám sát…
Về Chính phủ số, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến năm 2025 sẽ kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử, với ít nhất 70% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến toàn trình. Từ 2026 chuyển toàn lực xây dựng Chính phủ số. Số hoá toàn diện các hoạt động quản lý nhà nước, kết nối các cơ sở dữ liệu.
Vân Anh
Theo VOV