Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Nhờ Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đang thống trị thị trường toàn cầu một báu vật tỷ đô, giá tăng cao nhất kể từ đầu năm

12:00 | 30/10/2024

Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu loại hạt này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều trên 57 nghìn tấn, trị giá 372,16 triệu USD, so với tháng 9/2023 tăng 0,6% về lượng và tăng 20,2% về trị giá. Giá xuất khẩu trong tháng 9 đạt mức 6.522 USD/tấn, tăng 19,5% so với tháng 9/2023. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu năm.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 543,5 nghìn tấn, trị giá 3,15 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.797 USD/tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 3 quý đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng, ngoại trừ xuất khẩu sang Ả rập Xê út.

Cụ thể, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, đạt trên 150 nghìn tấn, trị giá hơn 871 triệu USD, tăng 29,9% về lượng và tăng 19,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tháng 9, Việt Nam xuất khẩu sang xứ cờ hoa 16,3 nghìn tấn hạt điều, tương đương 108 triệu USD, tăng 35% về lượng và tăng 67,5% về kim ngạch so với tháng 6/2023.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2, đạt 91,4 nghìn tấn, tương đương 518 triệu USD, tăng 30% về lượng và tăng 19,6% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Xếp thứ 3 là thị trường Hà Lan với gần 50,3 nghìn tấn hạt điều, trị giá 295 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 15,1% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công thương, giá nhân điều tăng trong năm 2024 có thể do gián đoạn chuỗi cung ứng: Việt Nam, nhà chế biến hạt điều lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng giảm sản lượng điều thô nhập khẩu trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung. Thu hoạch kém ở Tây Phi, khu vực cung cấp điều thô chính, cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt. Giá hạt điều thô tăng cao và việc thiếu nguồn nguyên liệu đã đẩy giá nhân điều tăng lên.

Ngoài ra, nhu cầu cao ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á đang chứng kiến nhu cầu tăng mạnh do tầng lớp trung lưu mở rộng và người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe. Cạnh tranh gia tăng đối với nguồn cung sẵn có đã đẩy giá lên cao.

Sự biến động tỷ giá hối đoái và điều kiện thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu cũng khiến chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn và khó dự đoán. Năng suất thu hoạch bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí chế biến, từ đó dẫn đến giá bán lẻ cao hơn cho người tiêu dùng.

Hiện một số khu vực, như Trung Đông, đang chứng kiến nhu cầu giảm do bất ổn chính trị. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu nói chung vẫn mạnh, đặc biệt là ở các thị trường phương Tây, nơi người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe thúc đẩy tiêu thụ.

Việt Nam hiện giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều. Dự báo các tháng cuối năm, xuất khẩu hạt điều tăng mạnh nhờ yếu tố chu kỳ và giá xuất khẩu có xu hướng tăng, đặc biệt là giai đoạn lễ hội cuối năm. Với những kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm 2024, ngành điều đang kỳ vọng vào con số kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD cho cả năm 2024.

 

 

Khánh Vy

Theo markettimes.vn

undefined