Các ngân hàng thương mại đang chi hàng chục ngàn tỉ đồng cho công nghệ

Năm 2024, ngành ngân hàng bước vào một chu kỳ tái cấu trúc sâu rộng khi làn sóng chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn chiến lược mà đã trở thành chìa khóa then chốt cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh các ngân hàng. Xu hướng này càng thể hiện rõ nét khi làn sóng cắt giảm nhân sự tăng mạnh trong những năm qua.

ngan hang thuong mai chi hang chuc ngan ti dong cho cong nghe
VIB – ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân lớn nhất đã chịu áp lực giảm NIM do triển khai nhiều gói ưu đãi.

Chuyển đổi số đang trở thành lực đẩy quan trọng giúp ngành ngân hàng nâng tầm hiệu quả vận hành và chất lượng dịch vụ. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang từng bước định hình lại cấu trúc hoạt động truyền thống.

Tại Việt Nam, các ngân hàng đang thể hiện những mức độ tiếp cận khác nhau trong hành trình chuyển đổi số. Những tổ chức tiên phong như Techcombank, MB Bank, TP Bank hay Vietcombank đã mạnh tay đầu tư vào nền tảng công nghệ, từ hạ tầng công nghệ thông tin (IT), đội ngũ nhân sự công nghệ cao cho tới các hệ sinh thái ngân hàng số toàn diện. Chính nhờ vậy, họ không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn mở rộng đáng kể tệp khách hàng, gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng nhỏ và vừa vẫn loay hoay với bài toán nguồn vốn, năng lực triển khai và thiếu tầm nhìn chiến lược, dẫn đến nguy cơ bị tụt lại phía sau. Ngoài ra, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các ngân hàng số và công ty công nghệ tài chính (FinTech) đang tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng tốc hoặc đối mặt với nguy cơ mất dần thị phần trong tương lai gần.

Đầu tư tới 32.437 tỉ đồng cho công nghệ

Theo số liệu từ báo cáo tài chính năm của các ngân hàng thương mại đang niêm yết, năm 2024 ghi nhận bước nhảy vọt về đầu tư công nghệ trong ngành ngân hàng Việt Nam khi tổng chi tiêu cho công nghệ đạt mức 32.437 tỉ đồng, tương đương 14,85% tổng chi phí hoạt động toàn ngành. Đây là tỷ lệ cao nhất trong bốn năm gần đây, đánh dấu sự chuyển mình rõ rệt trong tư duy chiến lược của các tổ chức tài chính. Nếu như trước kia ngân hàng vẫn dè dặt với ngân sách cho công nghệ do rào cản chi phí và rủi ro triển khai, thì hiện nay chuyển đổi số đã trở thành yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, tối ưu hóa chi phí và bảo vệ thị phần.

ngan hang thuong mai chi hang chuc ngan ti dong cho cong nghe 1
ngan hang thuong mai chi hang chuc ngan ti dong cho cong nghe 2

Mặc dù đều hướng đến mục tiêu số hóa, nhưng các nhóm ngân hàng lại có chiến lược đầu tư rất khác nhau tùy theo đặc điểm hoạt động và nhóm khách hàng mục tiêu. Dẫn đầu là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chuyên cho vay doanh nghiệp, với mức đầu tư cho công nghệ lên đến 13.743 tỉ đồng trong năm 2024, chiếm 19,89% chi phí hoạt động.

Nhóm này đang ưu tiên ứng dụng các công nghệ như AI và phân tích dữ liệu để nâng cấp quy trình xét duyệt tín dụng, tối ưu quản trị rủi ro và cải thiện trải nghiệm khách hàng doanh nghiệp, vốn là phân khúc có yêu cầu cao và phức tạp. Đáng chú ý, trong năm 2021 nhóm này từng có tỷ trọng đầu tư công nghệ thấp hơn so với các nhóm khác, nhưng chỉ trong ba năm gần đây đã có cú bứt phá ấn tượng, tạo khoảng cách đáng kể với các nhóm còn lại về năng lực công nghệ và tốc độ đổi mới.

Nhiều ngân hàng nhỏ và vừa vẫn loay hoay với bài toán nguồn vốn, năng lực triển khai và thiếu tầm nhìn chiến lược, dẫn đến nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân cũng đang thể hiện sự chủ động rõ nét trong quá trình chuyển đổi số, với mức đầu tư công nghệ đạt 7.234 tỉ đồng trong năm 2024, chiếm 13,72% chi phí hoạt động. Các ngân hàng thuộc nhóm này tập trung phát triển nền tảng ngân hàng số và khai thác dữ liệu lớn nhằm cá nhân hóa dịch vụ, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Nhờ đó, họ có khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng, tiếp cận tốt hơn tới các nhóm khách hàng trẻ, những người có nhu cầu tài chính linh hoạt và ưu tiên các giải pháp tiện ích, trực tuyến.

Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh vẫn duy trì chiến lược tiếp cận thận trọng hơn, nhưng không vì thế mà đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ. Trong hai năm gần đây, các ngân hàng này đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, với tổng giá trị lên đến 8.415 tỉ đồng trong năm 2024, chiếm 11,44% chi phí hoạt động. Mục tiêu của nhóm này là hiện đại hóa hạ tầng công nghệ lõi, củng cố hệ thống bảo mật và phát triển các nền tảng thanh toán số an toàn, hiệu quả. Dù chưa tạo ra bước đột phá như các ngân hàng tư nhân, họ đang từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời tuân thủ các yêu cầu ngày càng chặt chẽ từ cơ quan quản lý.

Với các ngân hàng khác quy mô nhỏ và vừa, chiến lược đầu tư công nghệ được triển khai theo hướng linh hoạt, phù hợp với năng lực tài chính và quy mô hoạt động. Trong năm 2024, nhóm này đã đầu tư 3.044 tỉ đồng, chiếm 13,19% chi phí hoạt động, một tỷ lệ đáng kể so với quy mô vốn. Không chạy đua vào các dự án công nghệ quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ chọn lối đi riêng bằng việc ứng dụng công nghệ vào các giải pháp thiết thực như tự động hóa quy trình nội bộ, phát triển ứng dụng (app) ngân hàng số thân thiện và tăng cường bảo mật hệ thống.

Sự phân hóa trong đầu tư công nghệ giữa các nhóm ngân hàng

Chiến lược đầu tư công nghệ phản ánh không chỉ định hướng phát triển mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của mỗi ngân hàng. Trong nhóm ngân hàng gốc quốc doanh, VietinBank tuy dẫn đầu về giá trị đầu tư công nghệ trong nhóm, nhưng lại chứng kiến xu hướng giảm liên tiếp về tỷ trọng đầu tư trong tổng chi phí hoạt động trong ba năm gần đây. Ngược lại, Vietcombank, sau một giai đoạn điều chỉnh chiến lược, đã gia tăng đầu tư trở lại, đạt tỷ lệ 10,77% trong năm 2024.

Đặc biệt, BIDV nổi lên như điểm sáng với bước tiến rõ ràng trong chuyển đổi số, tỷ lệ đầu tư công nghệ/chi phí hoạt động của BIDV đã tăng lên 11,33% trong năm 2024, cao hơn 2 điểm phần trăm so với năm trước. Ngân hàng này đang xây dựng hệ sinh thái số toàn diện thông qua SmartBanking, việc hoàn tất nâng cấp hệ thống core banking, hệ thống thẻ và ứng dụng robotic trong các quy trình then chốt giúp BIDV không chỉ tối ưu vận hành mà còn cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các ngân hàng số và công ty công nghệ tài chính (FinTech) đang tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng tốc hoặc đối mặt với nguy cơ mất dần thị phần trong tương lai gần.

Trong nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp, sự dẫn đầu của Techcombank là minh chứng rõ ràng cho cách tiếp cận đầu tư công nghệ toàn diện và bài bản. Năm 2024, ngân hàng này dành đến 42,39% chi phí hoạt động cho đầu tư công nghệ, tỷ lệ cao nhất toàn ngành. Tỷ lệ này của Techcombank luôn nằm trong nhóm cao nhất ngành và tăng trưởng mạnh từ năm 2021 đến nay. Ngân hàng này đã dành hàng trăm triệu đô la Mỹ cho công nghệ và hợp tác với rất nhiều các đơn vị thứ ba để phát triển các giải pháp giúp nâng cao năng lực phân tích và quản trị. MBBank là cái tên nổi bật tiếp theo với danh hiệu “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024. Từ năm 2017, ngân hàng đã triển khai mô hình vận hành thẩm định, phê duyệt tập trung bằng công nghệ robotic, cho phép duy trì năng suất cao mà không cần gia tăng nhân sự.

Ở nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân, công nghệ đang được tận dụng triệt để nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và tạo khác biệt trong cạnh tranh. TPBank và VIB nổi bật nhờ vào khả năng ứng dụng AI và Big Data để cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân hóa. Tỷ lệ đầu tư công nghệ trên chi phí hoạt động của TPBank đạt 16,37% trong năm 2024, tăng mạnh so với mức 13,23% của năm trước, ngân hàng đang đi đầu trong việc triển khai mô hình cho vay trên kênh số, với tỷ lệ khách hàng vay trên nền tảng số chiếm gần 5% tổng danh mục tín dụng.

Trong nhóm ngân hàng khác có quy mô nhỏ, sự phân hóa trong chiến lược đầu tư công nghệ càng trở nên rõ rệt. Một số ngân hàng tiên phong đã chủ động tìm kiếm giải pháp đột phá để bắt kịp làn sóng số hóa. Chẳng hạn, NCB đã hợp tác với Google Cloud triển khai hệ thống Data Lake, AI/ML, nâng cấp core thẻ và xây dựng nền tảng eKYC tích hợp, giúp khách hàng dễ dàng mở tài khoản trực tuyến. BVB hiện đang dẫn đầu nhóm này về tỷ lệ đầu tư công nghệ, đạt 26,06%, theo sau là ABB với 22,07%. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng khác như KLB, NVB và NAB vẫn duy trì sự đầu tư ở mức thấp, chủ yếu tập trung vào các hạng mục thiết yếu để đảm bảo vận hành ổn định và kiểm soát chi phí.

Mức đầu tư vào công nghệ không chỉ thể hiện năng lực tài chính mà còn là thước đo tầm nhìn chiến lược của từng tổ chức. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cao vẫn là rào cản lớn khiến nhiều ngân hàng chưa thể triển khai toàn diện các giải pháp công nghệ. Một số tổ chức thậm chí vẫn xem công nghệ như một khoản chi phí thay vì là một chiến lược đầu tư dài hạn. Những đơn vị tiên phong đang chiếm ưu thế vượt trội về tốc độ phục vụ, chi phí vận hành và năng lực đổi mới, trong khi các ngân hàng chậm thích nghi đang đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp trong bức tranh tài chính đang thay đổi từng ngày.

Lê Hoài Ân – Kiều Thị Kim Ngân

Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn