chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Bốn năm tới, tổng thu từ du lịch sẽ đạt 35 tỉ đô la Mỹ
12:00 | 19/01/2017
Khách du lịch Nga đến TPHCM theo tour của Công ty Pegas Touristik - Ảnh: Đào Loan
Để có được tổng thu du lịch lên đến 35 tỉ đô la Mỹ trong bốn năm tới, ngành du lịch phải thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế và 82 triệu lượt khách nội địa. Nghị quyết đưa ra 8 nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu này.
Đó là, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch; hoàn thiện thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất; tăng cường quảng bá xúc tiến; tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng và doanh nghiệp phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Bộ Chính trị cho rằng du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, tổng hợp, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm; phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường và có thể chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020. Tuy nhiên, không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm.
Một số thay đổi về thể chế, chính sách
Cơ quan quản lý sẽ xây dựng và triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch, liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành, tập trung vào một số sản phẩm như biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái và du lịch cộng đồng.
Các chính sách về đầu tư sẽ được hoàn thiện, đồng thời sẽ ban hành các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù và phát triển nguồn nhân lực.
Một số vấn đề về tài chính cũng sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Trong đó, chuyển đổi cơ chế phí tham quan sang cơ chế giá dịch vụ. Giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú ngang bằng với giá điện sản xuất. Sẽ có chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao...
Thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch sẽ được tiếp tục hoàn thiện, sẽ ban hành chính sách tạo thuận lợi tối đa và đơn giản thủ tục nhập cảnh.
Bộ Chính trị cũng cho rằng, với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thí điểm.
Về đầu tư hạ tầng, quản lý và quảng bá du lịch
Du khách nước ngoài tại TPHCM - Ảnh: Đào Loan
Nhà nước sẽ dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên tuyến du lịch đường bộ; đẩy mạnh thực hiện chính sách "bầu trời mở", tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở đường bay mới kết nối Việt Nam với các thị trường nguồn; tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dùng; cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ du lịch.
Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.
Bộ Chính trị chỉ đạo phải đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác xúc tiến quảng bá du lịch.
Nghị quyết không có nội dung mà doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý du lịch hay đề cập là thành lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài mà chỉ chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc quảng bá du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đặt văn phòng du lịch ở nước ngoài.
Nghị quyết cũng đề cập đến việc phải kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng.
Trao đổi với TBKTSG Online về nghị quyết này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc nhận định du lịch là một ngành kinh tế sẽ đem lại sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch. Chỉ khi được công nhận là một ngành kinh tế, có yếu tố liên ngành, liên vùng thì nhà nước mới có những chính sách thiết thực để cho ngành kinh tế du lịch phát triển và có những chính sách để các cơ quan quản lý hợp tác, liên kết nhằm thực hiện các chiến lược phát triển hiệu quả hơn thay vì tình trạng mạnh ai nấy làm.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng điểm quan trọng bậc nhất của nghị quyết là nhận thức của cả bộ máy quản lý về du lịch. Mọi người cùng thống nhất rằng du lịch hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển và hoàn toàn có thể phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị phải tập trung vào hỗ trợ cho du lịch phát triển. Du lịch sẽ có sự thay đổi tích cực khi thực hiện nghị quyết này.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nghị quyết nên đưa ra những đường lối cơ bản, đặt ra đường đi, kế hoạch hành động và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. "Càng rõ ràng, cụ thể và xác định rõ ai sẽ là người thực hiện trong từng giai đoạn thì hiệu quả khi đưa vào triển khai thực tế càng cao hơn", ông nói.
Số liệu tăng trưởng trong 10 năm qua Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001. Khách nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,2 lần so với năm 2001. Tổng thu du lịch vào năm ngoái ước tính khoảng 400.000 tỉ đồng (khoảng 17,7 tỉ đô la Mỹ). Ước tính, du lịch đóng góp trực tiếp 6,8% GDP. Mục tiêu trong những năm tới Năm 2020 thu hút 17- 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP. Tổng thu từ du lịch đạt 35 tỉ đô la Mỹ. Du lịch cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn và cạnh tranh được với các nước trong khu vược Đến năm 2030 thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Việt Nam thuộc các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Saigontimes |