Dự báo

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chuyên gia Fitch Ratings: Lạm phát tại Việt Nam sẽ về dưới ngưỡng mục tiêu của Chính phủ trong nửa năm tới

12:00 | 20/06/2023

Mới đây, Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Fitch Ratings đã tổ chức buổi hội thảo “Fitch on Vietnam – Overcoming Challenges, Sustaining Growth” với những nhìn nhận, đánh giá lại về kinh tế Việt Nam năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Bên lề sự kiện, bà Sagarika Chandra - Giám đốc Đánh giá Tín nhiệm Quốc gia Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra một số dự báo về triển vọng tín nhiệm cũng như lạm phát và kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Fitch Ratings gần đây đã xác nhận xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng tích cực. Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai?

Bà Sagarika Chandra: Nhìn từ góc độ tích cực, nếu Fitch Ratings chứng kiến khung chính sách mạnh mẽ hơn hỗ trợ cho Chính phủ xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong thời gian qua, nó có thể coi như yếu tố tác động tích cực đến xếp hạng tín nhiệm. Hơn thế nữa, việc duy trì tăng trưởng GDP cao cũng có ảnh hưởng nhất định đến GDP bình quân đầu người.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở ngưỡng khá thấp so với những nước có xếp hạng tín nhiệm tương đương. Việc GDP bình quân đầu người cải thiện cũng sẽ giúp mang đến xếp hạng tín nhiệm tốt hơn trong tương lai. Hơn thế nữa, việc duy trì tăng trưởng GDP cao cùng với giữ ổn định kinh tế vĩ mô cũng là một yếu tố mà Fitch Ratings đánh giá tích cực và có thể điều chỉnh nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Lạm phát hiện vẫn là một mối lo cho Việt Nam. Bà nghĩ sao về những thách thức mà Việt Nam sẽ đối mặt trong kiềm chế lạm phát trong nửa còn lại của năm?

Từ góc độ của Fitch Ratings, nếu nhìn vào các con số lạm phát, có thể thấy lạm phát tại Việt Nam đã bắt đầu giảm từ mức đỉnh. Các con số lạm phát công bố đang cho thấy xu thế sụt giảm. Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng Việt Nam đã vượt qua giai đoạn lạm phát cao. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ chững lại khi chúng tôi tính toán về những dự báo tăng trưởng.

Tính toán về tăng trưởng kinh tế toàn cầu của chúng tôi được dựa trên dự báo giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm. Xét đến tất cả những yếu tố này, chúng tôi tin lạm phát tại Việt Nam sẽ giảm dần trong giai đoạn còn lại của năm và nhiều khả năng sẽ dưới ngưỡng mục tiêu 4,5% của chính phủ trong năm 2023. Nhìn chung, lạm phát trong khoảng thời gian còn lại của năm sẽ không thách thức như thời điểm đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã quyết định hạ lãi suất điều hành nhiều lần trong năm nay, bà bình luận gì về động thái này?

Fitch Ratings tin rằng SBV sẽ vẫn tiếp tục quan điểm chính sách tiền tệ mềm mỏng. Mục tiêu chính của SBV và hỗ trợ cho nền kinh tế và cân nhắc đến việc lạm phát đã giảm, Việt Nam còn dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Chúng tôi tin SBV sẽ vẫn ưu tiên hỗ trợ cho nền kinh tế và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Quan điểm này sẽ không ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm mà Fitch Ratings dành cho Việt Nam và chúng tôi vẫn duy trì quan điểm triển vọng tích cực với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Xét đến bối cảnh việc cạnh tranh giành dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày một căng thẳng hơn, bà có đề xuất chính sách gì cho Việt Nam trong việc thu hút FDI chất lượng cao?

Dựa trên quan sát của Fitch Ratings, Việt Nam có một số thế mạnh giúp thu hút FDI trong trung hạn. Thứ nhất, Việt Nam sở hữu lợi thế cạnh tranh về chi phí, yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam đã hội nhập rất tốt vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, chính vì vậy sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam tăng cao hơn.

Khung chính sách hiện tại của Việt Nam cũng hỗ trợ cho FDI và việc Việt Nam tham gia vào một số Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) cũng mang tính hỗ trợ quan trọng cho triển vọng thương mại và đầu tư. Những yếu tố này sẽ giúp thu hút dòng vốn chất lượng cao trong trung hạn.

Dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy rằng có một số rủi ro đặc thù cần phải được xử lý. Một trong số đó là việc xây dựng được cơ sở hạ tầng nhằm hấp thụ tốt dòng vốn FDI. Ngoài ra, việc đầu tư vào nhân lực rất quan trọng để giúp Việt Nam thu hút được vốn đầu tư giá trị cao trong tương lai. Những biện pháp này sẽ cho phép Việt Nam tận dụng tốt hơn cơ hội đầu tư và tăng cao sức hấp dẫn trong việc thu hút FDI chất lượng cao.

Triển vọng thu hút FDI của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào bởi thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu, thưa bà?

Fitch Ratings không tin rằng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu sẽ có thể tạo ra những yếu tố tiêu cực hay cản trở FDI vào Việt Nam. Như từng nói đến trước đây, những thế mạnh của Việt Nam dự kiến sẽ giúp duy trì mức độ FDI vào. Việt Nam có nhiều lợi thế so với nhiều nước khác trong khu vực ví như Philippines hay Indonesia vốn cũng đang cạnh tranh để thu hút FDI. Vì vậy chúng tôi không tin thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu đang cản trở thu hút FDI của Việt Nam.

Cám ơn bà về những nhận định!

Ngọc Diệp

Theo Bizlive

undefined