chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Điểm nhãn kinh tế thế giới 2016
12:00 | 26/11/2015
Ảnh minh họa
IMF dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 6,3% trong năm 2016, từ 6,8% trong năm nay. Bi quan hơn, Willem Buiter, Kinh tế trưởng của Citigroup lo ngại: "Trung Quốc có nguy cơ hạ cánh cứng có tính chu kỳ do công suất dư thừa và nợ cao". Conference Board thậm chí dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng trưởng 3,7% trong năm 2016.
Nga và Brazil đã trong suy thoái nên sự sụt giảm mạnh ở Trung Quốc sẽ kéo nhiều thị trường mới nổi khác giảm theo. Các quốc gia giàu ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không suy thoái mà chỉ đơn thuần sẽ tăng trưởng chậm hơn. IMF dự kiến nền kinh tế của Brazil và Nga tiếp tục suy giảm trong năm 2016, trong khi kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7,5%.
Dầu giá rẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp hầu hết các nhà kinh tế lạc quan hơn, trong khi làm tổn hại các nhà xuất khẩu, đặc biệt là Nga và các thành viên của OPEC. Giá dầu thấp giúp các nước nhập khẩu dầu có cơ hội tăng trưởng tốt hơn như các nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á, bao gồm cả Trung Quốc.
Một giả thuyết cho rằng giá dầu thô có thể giảm xuống dưới 40USD một thùng vào năm tới, vì sản xuất vượt quá mức tiêu thụ và thế giới đang dư thừa dầu. Trong báo cáo thường niên mới được công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo từ nay đến năm 2020, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng dưới 1%, thấp hơn so với mức cần thiết để đẩy giá dầu hồi phục từ mức thấp hiện nay. IEA cho rằng, giá dầu sẽ không thể chạm mức 80 USD/thùng cho đến năm 2020 và sẽ còn lâu mới tiêu thụ hết nguồn cung dư thừa hiện tại.
Đối với Mỹ, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 dao động trong ngưỡng 2,3 - 2,5%. Đây được coi là tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế số 1 thế giới sau một năm không có nhiều thay đổi. Kinh tế Mỹ năm tới giữ nguyên tình trạng tốt nhưng không có gì nổi trội. Các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang tích trữ tiền mặt và sẽ không đầu tư nhiều trong tương lai. Cho đến khi đó, nền kinh tế Mỹ nói chung, thị trường chứng khoán nước này nói riêng sẽ gặp khó khăn để tăng trưởng mạnh hơn. Vì vậy, các nhà phân tích nghi ngờ khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong cuối năm nay, thậm chí còn không tin rằng FED sẽ tăng lãi suất trong năm 2016.
Kinh tế châu Âu và Nhật Bản vẫn trong bối cảnh yếu thế. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể đẩy lãi suất ngắn hạn sâu hơn trước năm 2016, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang chuẩn bị tăng mua trái phiếu để giảm lãi suất dài hạn. IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2015 là 0,6% và năm 2016 là 1%.Khu vực Eurozone sẽ tăng trưởng nhẹ ở mức 1,6% so với năm 2015, và sẽ là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010. Cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp có thể trở lại tâm điểm của thế giới vào cuối năm 2016 nếu Thủ tướng Alexis Tsipras không thể thắng trong việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, cải cách thị trường lao động mà các chủ nợ yêu cầu.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn trở thành một điều nhức nhối trong lòng châu Âu. Nhưng điều kỳ lạ là làn sóng tị nạn này lại có thể kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, ít nhất là ở Đức. "Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một sự thúc đẩy cho tăng trưởng GDP," Malte Rieth, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, nhận định. Bởi vì, Chính phủ Đức sẽ cung cấp viện trợ cho những người tị nạn và những người này sẽ chi tiêu, chủ yếu về hàng hoá và dịch vụ, qua đó tăng thêm 0,1 - 0,2% tăng trưởng GDP.
Morgan Stanley Investment Management cho rằng kinh tế thế giới đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái, bởi chu kỳ suy thoái và tăng trưởng đan xen lẫn nhau là vào khoảng 7-8 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, kinh tế toàn cầu sẽ có được sự cải thiện phần nào về tốc độ tăng trưởng trong năm 2016, sau bốn năm suy thoái liên tục ở các nền kinh tế lớn (2011 - 2014).
Theo DNSG.