chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012
7:52 | 01/11/2011
Trong báo cáo nghiên cứu phát hành ngày 15/9, chuyên gia phân tích Santitarn Sathirathai tại Credit Suisse nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2012 sẽ đạt 5,9%, tăng so với 5,8% trong năm 2011, tuy nhiên lại giảm so với mức dự báo trước đó của tổ chức này là 6,2%. Chỉ số bán lẻ tháng 8 tăng thêm 25,9% so với mức 18,6% trong tháng 7 Cũng theo chuyên gia này, các nhân tố như suy giảm kinh tế toàn cầu và các chính sách thắt chặt của chính phủ sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2012. Mới đây, Ngân hàng nhà nước cho biết kế hoạch sẽ tiếp tục kiểm soát chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng trong 5 năm tới. Trong báo cáo, chuyên gia cho biết lạm phát của Việt Nam đã đạt đỉnh trong tháng 8 do ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt tiền tệ và tín dụng kể từ tháng 2. Trước đó, ngân hàng ANZ cũng đưa ra nhận định tương tự khi cũng cho rằng đỉnh lạm phát của Việt Nam đã rơi vào tháng 8. Mới đây, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng Việt Nam trong năm 2011 từ 6,1% xuống 5,8% nhưng dự báo sẽ tăng nhanh trở lại ở mức 6,5% trong năm 2012. Lạm phát được dự đoán giảm dần xuống mức 18,7%, vẫn duy trì ở mức cao chủ yếu do giá lương thực tăng mạnh, trước khi giảm xuống 11% trong năm tới. Còn Ngân hàng ANZ vừa cung cấp báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 8/2011. Mặc dù tăng trưởng thực tế vẫn duy trì ở mức vừa phải nhưng lạm phát đạt đỉnh. Trong khi đó, cán cân thương mại quay trở về tình trạng thâm hụt do ngừng xuất khẩu vàng. Theo nhận định của ANZ, tăng trưởng nhu cầu nội địa thực tế tiếp tục giữ mức trung bình trong tháng 8. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,8% so cùng kỳ, giảm từ mức 9,6% hồi tháng 7. Riêng hoạt động ngành khai khoáng giảm sút trong khi tăng trưởng sản xuất lại mở rộng. Chỉ số bán lẻ danh nghĩa tăng 25,9% so cùng kỳ, tăng từ mức 18,6% trong tháng 7. Song trên thực tế, tăng trưởng doanh số hàng bán lại chỉ ở mức 2,3% so mức 2,9% của tháng trước đó. Thâm hụt thương mại ở mức cao lại tái diễn trong tháng 8 với tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống còn 21% cùng kỳ so mức tăng 54,6% trong tháng 7. Nhập khẩu tăng 25,5%, cao hơn tháng 7 với 17,3%. Cán cân thương mại dịch chuyển từ mức thặng dư kỷ lục 1,1 tỷ USD trong tháng 7 sang thâm hụt 800 triệu USD, phản ánh sự biến động về giao dịch vàng. Chỉ số giá tiêu dùng leo cao lên 23% so với tháng 8/2010 từ 22,2% hồi tháng 7. Tính theo tháng, lạm phát dịu xuống ở mức 0,9%. Mức tăng giá lương thực, thực phẩm là 34,1% và đóng góp vào lạm phát tổng thể 13,6 điểm phần trăm, trong khi lạm phát phi lương thực và phi nhiên liệu chạm mức 11%. Như vậy, đà lạm phát đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Nhìn chung, theo đánh giá của chuyên gia ANZ, đỉnh lạm phát tháng 8 do nhiều yếu tố kết hợp. Một là chính sách vẫn còn được thắt chặt cho đến nay, hai là tăng trưởng chậm lại và ba là tăng giá hàng hóa ở mức tương đối. Ngân hàng Nhà nước khẳng định mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu song nhắm tới hạ lãi suất cho vay thương mại trước mắt. Theo khuyến nghị của ANZ, việc tiếp tục giữ cơ chế thắt chặt chính sách tiền tệ trong ngắn và trung hạn là quan trọng để đưa tăng trưởng và lạm phát trở lại mức bền vững trong những năm tiếp theo. ANZ cũng khuyến cáo NHNN cần duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong ngắn và trung hạn để ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới. Việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn là thử thách chủ yếu trong thời gian trước mắt./.