Dự báo

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Dự báo thế giới 2017: Kinh tế toàn cầu bấp bênh và khó dự đoán

12:00 | 13/01/2017

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Một nước Mỹ khó đoán

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, những gì xảy ra tại Mỹ sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới, và mối quan ngại của các nước xuất phát từ những bất trắc của một chính quyền được thành hình trong điều kiện "quá đặc biệt" của nước Mỹ.

Bên cạnh đó, khi tương lai do các chính trị gia quyết định thì dư luận nên thận trọng vì khó có thể đoán được sự tính toán bất thường của chính trị, đặc biệt sau nhiều năm "ách tắc chính trị" đây là lần đầu tiên đảng Cộng hòa ở Mỹ nắm quyền kiểm soát cả lĩnh vực hành pháp và lập pháp. Bên cạnh đó, cử tri Mỹ cũng đang trông đợi một chính sách kinh tế mới.

Bản thân Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và quốc hội nước này có 3 điểm đồng thuận đáng kể là: muốn kích thích sản xuất qua biện pháp giảm thuế và cải cách thuế vụ, đơn giản hóa hệ thống kiểm soát thiết lập sau vụ khủng hoảng 2008 và thực thi nhiều dự án xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh thêm rằng dư luận vẫn phải "dè dặt" chờ đợi xem các đề nghị được thảo luận và biểu quyết ra sao trong từ 3-4 tháng đầu cầm quyền của ông Donald Trump - vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Nếu mọi việc "hanh thông," tình hình sẽ khả quan suốt năm nay với đà tăng trưởng có thể từ 2,1%-2,5% trong quý 3 và mấp mé 3% vào đầu năm 2018.

Ngược lại, nếu chính trường Mỹ "lại nổi sóng" ngay từ 3 tháng đầu tiên kể từ lễ nhậm chức của ông Donald Trump, thị trường sẽ thất vọng tuột giá và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6/11/2018 sẽ dẫn đến nhiều thay đổi cho nước Mỹ.

Thực tế cho thấy bản thân tổng thống Mỹ không gây ra suy thoái kinh tế nhưng lại bị "trói tay" vì khó kích thích kinh tế nếu không nhận được sự hậu thuẫn của quốc hội.

Hơn nữa, sau cuộc suy thoái kinh tế 2008-2009, nước Mỹ có nhu cầu xây dựng lại một nền móng kinh tế khác và chính nhu cầu ấy mới khiến một nhân vật "ngang" như tỷ phú Donald Trump lại giành thắng lợi một cách bất ngờ.

Châu Âu không êm ả

Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, khu vực châu Âu với 500 triệu dân, sản lượng kinh tế gần bằng Mỹ và đang là một khối thiếu thống nhất, sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ bị phân hoá trong năm nay.

Ngoài khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) gồm 19 thành viên đang chịu tác động ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế 2008-2009, cuộc khủng hoảng người di cư hay hàng loạt các cuộc tấn công khủng bố, khu vực miền nam châu Âu đang đối mặt với nguy cơ "núi nợ xấu" gần 400 tỷ euro của Italy hiện vẫn chưa có cách tháo gỡ.

Bên cạnh đó, trong năm nay, 4/6 quốc gia sáng lập EU có bầu cử là Pháp, Đức, Hà Lan và Italy.

Nếu cử tri ở các quốc gia này lại tín nhiệm các chính đảng hoài nghi sự hội nhập châu Âu, sau sự kiện nước Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit), sẽ còn nhiều thành viên khác "theo chân" London.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một kịch bản đáng sợ khác đang diễn ra là các chính đảng truyền thống từng lãnh đạo châu Âu từ 70 năm nay đều bị thất thế vì không có giải pháp cho các vấn đề mới trong khi các chính đảng cực đoan ở ngoài lề lại đề nghị "xé chiếu ngồi riêng" và còn kịch liệt chống "di cư" và "hội nhập."

Khi một khối kinh tế lớn như vậy gặp bế tắc chính trị không lối thoát, kinh tế dễ bị suy thoái và khiến nước Mỹ cũng bị lây, chưa kể đến hậu quả cho các nước đang phát triển cần xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?

Đề cập đến viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc năm 2017, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết Hệ thống thông tin chuyên đề về kinh tế "Bloomberg" hồi tuần trước trích dẫn một nguồn tin riêng nói rằng Bắc Kinh dự định sẽ tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại nước này nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump áp dụng các biện pháp chống hàng hóa Trung Quốc.

Loại tin tức mang tính chất hăm dọa như vậy không gây ngạc nhiên vì từ năm nay, Tổng thống Mỹ sẽ không "làm ăn" theo các điều kiện do Bắc Kinh đặt ra và đặc biệt Trung Quốc sẽ khó xoay sở hơn vì những vấn đề nội tại của chính nước này.

Vấn đề đặt ra là Trung Quốc sản xuất hàng hóa rồi sẽ bán cho ai nếu kinh tế châu Âu còn èo uột và nước Mỹ không mua hàng như trước đây.

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nếu tranh chấp mậu dịch bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc, về dài hạn, kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn.

Tuần qua, phần lời trái phiếu của đồng nhân dân tệ trao đổi trên thị trường nước ngoài đã có lúc vọt lên mức "cực kỳ bất thường" là 105%.

Điều này có nghĩa là Bắc Kinh đang cố giữ đồng nội tệ không bị mất giá chứ không tiếp tục chiều hướng phá giá để tìm lợi thế xuất khẩu và như vậy phải tốn hàng trăm tỷ USD.

Trước đây, Trung Quốc vẫn có thể ứng phó với các biện pháp ngoại hối khi có gần 4.000 tỷ USD dự trữ.

Nhưng hiện Bắc Kinh được cho là chỉ còn khoảng 3.000 tỷ USD và rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" bởi cả 2 giải pháp đều "nan giải và bất toàn."

Hoặc là mất dự trữ bằng đồng USD để nâng giá đồng nhân dân tệ, hoặc là tăng lãi suất để tránh nạn tẩu tán tư bản ra ngoài.

Điều đáng nói ở đây là cả Bắc Kinh lẫn chính quyền của ông Donald Trump đều không muốn đồng nhân dân tệ sụt giá quá mạnh trong khi Trung Quốc muốn xuất khẩu hàng hóa, lại chẳng thể tránh được nạn "xuất khẩu tư bản" khi giới có tiền chuyển ngân tài sản ra ngoài để khỏi bị mất giá.

Theo thông tin về hiện tượng tham nhũng và rửa tiền đăng trên trang mạng của Christine Duhaime tại Canada, ước lượng rằng trong giai đoạn 1995-2013 đã có 2.000 ty đôla Canada (khoảng 1.500 tỷ USD) tiền tham nhũng được "tẩu tán" qua Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan.

Nếu kể thêm các khoản tiền chuyển khoản hợp pháp thì tài sản từ Trung Quốc đang thổi lên "bong bóng đầu cơ" tại các nước kia.

Vì vậy, không cần nói đến trận chiến mậu dịch Mỹ-Trung Quốc, việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5%/năm là điều khó tin trong năm nay./.

Theo TTXVN

undefined