Dự báo

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

FAO dự báo năm 2017 Việt Nam đạt 43,5 triệu tấn lúa

12:00 | 20/06/2017

Dự báo của FAO, cho biết nếu điều kiện sản xuất bình thường, sản lượng lúa toàn cầu năm 2017 đạt 758,9 triệu tấn, tăng 7 triệu tấn so với năm 2016. Trong đó, riêng khu vực châu Á đạt khoảng trên 681 triệu tấn, chiếm 89% sản lượng toàn cầu.

Ở châu Á, dự báo Trung Quốc là quốc gia sản xuất lúa lớn nhất trong năm 2017 với sản lượng đạt xấp xỉ 210 triệu tấn; Ấn Độ đạt khoảng 160 triệu tấn; Indonesia trên 70 triệu tấn; Bangladesh trên 52 triệu tấn; Việt Nam khoảng 43,5 triệu tấn...

Như vậy, nếu so với khu vực châu Á, sản lượng lúa của Việt Nam chiếm khoảng 6,4%.

Còn về thương mại gạo, theo dự báo của FAO, thương mại quy gạo toàn cầu tăng 4%, đạt mức 43,3 triệu tấn trong năm 2017.

Mức tăng trưởng nêu trên được FAO đưa ra dựa trên dự báo thiếu hụt gạo tại một số nước cũng như nỗ lực tăng nhập khẩu dự trữ của một số quốc gia châu Á và châu Phi như Madagascar, Nigeria, Philippines, Bangladesh và Sri Lanka...

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu dự kiến suy giảm ở châu Mỹ và châu Âu do nguồn cung ở khu vực này dồi dào. “Trong bối cảnh này, cạnh tranh giành thị trường giữa các nhà cung cấp gạo quốc tế dự kiến còn căng thẳng đến cuối năm”, FAO dự báo.

Theo FAO, Ấn Độ là quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu gạo lớn nhất hàng năm và 5 năm gần đây đều giữ vị trí hàng đầu trong thương mại gạo toàn cầu. Do đó, Ấn Độ trở thành đối thủ cạnh tranh của Thái Lan, khi lượng gạo tồn kho từ thời Chính phủ tiền nhiệm của quốc gia này dần được giải quyết xong.

Cũng theo dự báo của FAO, xuất khẩu gạo của Úc, Myanmar, Paraguay, Uruguay và Việt Nam đều tăng trong năm 2017.

Đối với Việt Nam, một số thống kê của các tổ chức quốc tế được Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dẫn lại, cho thấy xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm đến ngày 6-6-2017 đạt trên 2,8 triệu tấn, tăng 23,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức tăng trưởng xuất khẩu khá mạnh kể từ năm 2016 đến nay.

Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng cuối năm 2017 được dự báo là khá tốt do nhu cầu trở lại của Philippines, Malaysia cũng như nhu cầu từ Bangladesh.

Thực tế, mới đây VFA đã có công văn 164/CV/HHLTVN, cho biết Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đang giao dịch bán gạo cho Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu mua gạo của Philippines.

Trung Chánh

Theo Saigontimes

undefined