chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Hà Nội sẽ 'khát' nước sạch hè này
12:00 | 06/05/2015
Người dân ở ngõ 243 Giáp Bát - Hà Nội đi lấy nước sạch của
Cty Viwaco cung ứng nước vào ngày 23/5/2014. Ảnh: Như Ý.
Nhiều điểm nguy cơ "khát nước".
Theo khảo sát của PV, mặc dù tình trạng thiếu nước chưa đáng báo động, song đây vẫn là mối lo chung của các hộ gia đình trước hè năm nay. Mặc dù đã được cấp trở lại sau cả tuần mất nước nhưng các hộ dân ở khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn lo lắng về nguy cơ thiếu nước sinh hoạt thời gian tới. “Dù đã được cấp nước trở lại, nhưng chúng tôi cũng không khỏi lo lắng vì từ năm 2010 đến nay thường xảy ra vài đợt mất nước mỗi năm. Tình trạng mất nước năm nay còn đến sớm hơn mọi năm khiến các hộ dân càng lo lắng. Đề phòng mất nước đột ngột, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác phải dùng xô, chậu, mua thùng trữ nước để sẵn trong nhà”, chị Giang, một hộ dân sống ở khu đô thị Dịch Vọng nói.
Trao đổi với PV ngày 5/5, ông Tô Thành Tâm, Trưởng Ban quản lý 2 tòa nhà N09B1, NO9B2 khu đô thị Dịch Vọng cho biết, người dân và Ban Quản lý tòa nhà đã gửi đơn đề xuất làm thêm đường ống, tăng thêm công suất cấp nước, song đơn vị cấp nước cũng chỉ… “cam kết bằng mồm” mà không hề có văn bản.
Tương tự, nhiều hộ dân ở các khu vực đường Kim Giang, Định Công, hay Phố Huế, Lê Duẩn, Phan Đình Phùng…cũng lo ngại về việc thiếu nước trước mùa hè này. “Tuy chưa vào đợt cao điểm nắng nóng, nhưng nguồn nước thỉnh thoảng rất yếu. Hi vọng ngành nước sẽ có các giải pháp để không xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa hè này”, một hộ dân sống ở khu tập thể cũ trên đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ.
Theo Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, vào những thời điểm nắng nóng, hoặc xảy ra mất điện, nhiều khu vực tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Đống Đa, Long Biên… sẽ có nguy cơ thiếu nước sạch trong đợt hè này. Các khu vực có nguy cơ thiếu nước xảy ra ở các tuyến phố Hàng Than, Hồng Phúc, Nguyễn Trung Trực, Hàng Đậu, Hòe Nhai, Quán Thánh, Thụy Khuê… Đặc biệt, tại các địa bàn thuộc quận Thanh Xuân, một phần Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm với khoảng 70.000 khách hàng có thể lâm vào tình trạng “khát nước” do đường ống truyền dẫn nước Sông Đà thứ hai vẫn chưa thể triển khai.
Đường ông nước sông Đà số 2 sẽ khởi công vào tháng 8/2015.
Về dự án đường ống nước Sông Đà số 2, ông Nguyễn Văn Tốn khẳng định, phía công ty luôn ý thức triển khai cấp bách để dự án sớm hoàn thành. Trước thực trạng dự án liên tục chậm triển khai, ông Tốn lý giải, do không xin được cơ chế đặc thù, phải tuân thủ theo các quy định của Luật Đấu thầu nên dự án có chậm hơn so với kế hoạch. “Mặc dù phía công ty đã thu xếp được nguồn vốn, nhưng chúng tôi vẫn phải làm theo đúng trình tự, quy chế đấu thầu theo quy định. Chủ đầu tư luôn làm hết sức mình, nhưng thời gian thực hiện không thể nhanh hơn so với mong đợi”, ông Tốn nói.
Về tiến độ triển khai dự án, ông Tốn cho biết, sau khi hoàn thành thiết kế kỹ thuật vào tháng 6/2015, công ty sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm định, sau đó sẽ phát hành hồ sơ thầu. Đến tháng 8/2015 sẽ tiến hành khởi công và sau 6 tháng thi công sẽ hoàn thành dựa án đường ống nước sông Đà số 2. Tuy nhiên, ông Thân Thế Hà, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Vinaconex cho biết, do quy trình thủ tục của Luật Đấu thầu kéo dài cũng như việc bố trí nguồn vốn còn nhiều khó khăn nên phải sang tháng 6, hoặc tháng 8/2016 dự án này mới có thể hoàn thành.
Ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) khẳng định, dù huy động từ nguồn vốn nhà nước hay xã hội hóa thì cũng đều là nguồn lực của xã hội. Về quy hoạch, ông Quân cho biết, đến giai đoạn 2015 - 2020 mới tiến hành đường ống nước Sông Đà giai đoạn 2. Do vậy, việc chủ đầu tư nghiên cứu triển khai dự án từ năm 2014 là sớm so với quy hoạch. Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn, ông Quân cho biết Hà Nội “rất sốt ruột” và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án.
Theo Tiền Phong.