Hàn Quốc và Nhật có thể chịu hậu quả nặng nề nhất từ đối đầu thương mại Mỹ – Trung Quốc
12:00 | 12/08/2019
Cách đây 1 tuần, Tokyo và Seoul dường như vẫn còn rất tự hào và quyết tâm nếu xét đến chính sách kinh tế và niềm tự hào dân tộc. Giờ đây, nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 4 châu Á đang trở thành nạn nhân của chính sách hạ giá tiền tệ từ Trung Quốc nhằm ứng phó với chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kinh tế Hàn Quốc và Nhật, theo tính toán của nhiều chuyên gia, sẽ chịu nhiều tác động tồi tệ nhất khi mà các biện pháp đánh thuế của Tổng thống Trump gây hại đến kinh tế Trung Quốc. Tác động dây chuyền thực ra mới chỉ bắt đầu, không riêng với các nước ở Bắc Á mà còn khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngày 5/8/2019, Bắc Kinh đã để đồng nhân dân tệ phá ngưỡng tâm lý quan trọng 7 nhân dân tệ/USD lần đầu tiên kể từ năm 2008. Thật khó để bỏ qua khả năng rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm vậy để ứng phó vơi lời đe dọa tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra. Tổng thống Trump trước đó đã dọa đánh thuế 10% với khoảng thêm 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Chỉ sau vài giờ khi đồng nhân dân tệ xuống dưới ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD, Bộ Tài chính Mỹ đã gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ lần đầu tiên từ năm 1994.
Nếu người ta có muốn nhắc đến ví dụ của “tin giả” trong các chu kỳ kinh tế, đó chính là điều đã diễn ra mới đây. Rõ ràng, trong 2 năm rưỡi qua, Trung Quốc đã cố gắng nâng giá đồng nhân dân tệ chứ không phải hạ giá nó để có thể làm giảm đi luận điểm bảo hộ từ phía Mỹ. Ngoài ra, phía trung Quốc cũng lo lắng về khả năng chiến tranh thương mại sẽ gây “chảy máu” dòng vốn. Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm có thể coi như dấu hiệu bi quan với nhà đầu tư khắp thế giới.
Điều đáng mỉa mai ở đây chính là Tổng thống Trump đã khiến cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lý do để hạ giá mà chẳng cần phải cảm thấy tội lỗi. Tháng 6/2019, xuất khẩu Trung Quốc giảm 1,3%, GDP quý 2/2019 của Trung Quốc tăng trưởng chỉ đạt 6,2%, tăng trưởng quý này có thể cao nhất trong năm 2019. Tỷ giá thấp đi có thể giúp hồi sinh lại cỗ máy xuất khẩu quan trọng.
Hàn Quốc, Nhật và nhiều nền kinh tế khác đang tăng trưởng chậm tại Đông Nam Á chắc chắn chẳng vui vẻ gì với điều này trong nửa sau năm 2019.
Tin tốt: Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang không cho phép đồng nhân dân tệ hạ giá chóng mặt. Chính phủ Trung Quốc muốn tránh việc để cho thị trường thế giới hoảng loạn thêm. Họ cũng muốn ngăn việc căng thẳng leo thang giữa chính quyền Trump và những người có quan điểm chống Trung Quốc trong chính quyền Trump trong đó bao gồm ông Peter Navarro.
Tin xấu: đồng nhân dân tệ rớt xuống dưới ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD, điều này khiến người ta nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc đã mất hết hy vọng về khả năng có một thỏa thuận thương mại và đồng thời gây ra cú sốc lớn đến tính cạnh tranh của nhiều nền kinh tế khác trong khu vực.
Chuyên gia Arthur Kroeber của viện Gavekal chuyên nghiên cứu về Trung Quốc nhấn mạnh: “Việc quan hệ Trung Quốc – Mỹ xấu đi sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin kinh tế và niềm tin thị trường trong khoảng thời gian còn lại của năm”.
Trung Mến
Theo Bizlive