chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
IMF: Kinh tế toàn cầu đối diện nguy cơ tăng trưởng âm do COVID-19
12:00 | 10/04/2020
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế không giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào mà thế giới phải đối mặt trong thế kỷ qua, đòi hỏi một phản ứng tổng thể nhằm đảm bảo phục hồi nền kinh tế.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 9/4 đã đưa ra nhận định trên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và để lại những thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế các nước.
Phát biểu trước thềm cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tuần tới, bà Georgieva cảnh báo kinh tế toàn cầu "sẽ nhanh chóng chuyển sang tăng trưởng âm trong năm 2020" với 170 trong tổng số 189 thành viên IMF sẽ đối mặt với mức thu nhập bình đầu người sụt giảm.
Bà nêu rõ: "Trên thực tế, chúng tôi dự đoán về hậu quả kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái."
Thậm chí trong kịch bản lạc quan nhất, IMF dự báo nền kinh tế chỉ "phục hồi một phần" trong năm tới, khi dịch bệnh lui dần trong năm nay, cho phép hoạt động kinh doanh trở lại bình thường khi các biện pháp hạn chế và phong tỏa nhằm ngăn dịch bệnh lây lan được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn và tình hình có thể xấu đi tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm thời gian dịch bệnh và đặc biệt, "mọi thứ phụ thuộc vào những hành động chính sách mà chúng ta thực hiện ngay lúc này."
Bà nêu rõ: "Triển vọng ảm đạm này đúng với cả các nền kinh tế phát triển lẫn đang phát triển. Cuộc khủng hoảng này không có biên giới. Mọi người đều bị tổn thương."
Cũng trong phát biểu của mình, người đứng đầu IMF ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi các nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính lên tới 8.000 tỷ USD, cũng như các biện pháp nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.
Tuy nhiên, bà vẫn kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình để tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi thông qua các biện pháp tài chính lớn và kịp thời như giãn thuế, trợ cấp lương và mở rộng bảo hiểm thất nghiệp.
Bà cũng đề nghị các nước không nên quá vội vàng nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch bệnh lây lan cần thiết.
Trước đó, ngày 3/4, Tổng Giám đốc Georgieva cũng đã nhận định đại dịch COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào đình trệ, cảnh báo có thể xảy ra cuộc suy thoái với mức độ nghiêm trọng hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Bà Georgieva kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường những nỗ lực trợ giúp các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ứng phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch.
Hơn 90 quốc gia, chiếm gần một nửa trong tổng số 189 nước thành viên IMF, đã đề nghị viện trợ khẩn cấp từ tổ chức này để ứng phó với đại dịch.
IMF và WHO đã kêu gọi sử dụng viện trợ khẩn cấp chủ yếu để tăng cường các hệ thống y tế, trả lương cho y, bác sỹ và để mua thiết bị bảo hộ.
Bà Georgieva cho biết IMF sẵn sàng sử dụng quỹ dự phòng chiến tranh 1.000 tỷ USD nếu cần./.\
Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)