chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Kinh tế Việt Nam sẽ có những điểm sáng mới trong năm 2016
12:00 | 17/11/2015
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy Sao Ta (Sóc Trăng). (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Bức tranh toàn diện về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đã được chỉ ra rõ nét hơn ở nhiều lĩnh vực như đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải cách khu vực ngân hàng, thị trường vốn, thị trường bất động sản, tái cơ cấu nông nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng. Cùng với đó rất nhiều cơ hội được mở ra.
Vậy bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ khép lại với gam màu gì? Cơ hội hội nhập được mở ra ở những lĩnh vực nào và những nền tảng có được trong năm 2015 sẽ tạo ra triển vọng cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2016.
Xoay quanh chủ đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế.
- Thưa ông, ông có thể đánh giá những nét khái quát về diễn biến kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay?
Ông Vũ Đình Ánh: Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất vững chắc sau khi chúng ta có dấu hiệu phục hồi bắt đầu từ năm 2014. Triển vọng về kinh tế thể hiện ở tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Theo báo cáo hết 9 tháng, Việt Nam đã vượt qua được chỉ tiêu đề ra so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng trưởng kinh tế là 6,5%. Với triển vọng quý sau cao hơn quý trước thì chắc chắn mục tiêu 6,2%/năm cho cả năm 2015 về tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ vượt qua ở mức khá là xa, và có thể lạc quan khi mức tăng trưởng này có thể tiệm cận ở mức 7% cho năm 2015.
Bên cạnh việc tăng trưởng GDP đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã kiên trì thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế, kiểm soát lạm phát suốt từ năm 2011 đến 2015 này thì có thể nói hầu hết các tiêu chí ổn định kinh tế vĩ mô đặc biệt là vấn đề lạm phát gần như được loại bỏ khỏi nền kinh tế Việt Nam.
Mặt khác là việc mở cửa và hội nhập của Việt Nam ngày một sâu rộng hơn, thậm chí theo một số đánh giá việc hội nhập và mở cửa của Việt Nam được xếp vào loại dẫn đầu trong rất nhiều nước trên thế giới khi mà cánh cửa của TPP đã đàm phán xong trong năm 2015 và rất có thể trong năm tới sẽ được đưa vào thực hiện chính thức.
Đồng thời với đó, khối kinh tế chung AEC cũng chính thức được vận hành từ năm 2016. Và theo rất nhiều đánh giá thì việc mở cửa hội nhập đó sẽ có rất nhiều tác động tích cực đến Việt Nam trên tất cả các mặt và đồng thời mở ra những cánh cửa mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm tới đây.
- Với những diễn biến kinh tế như ông vừa nêu cùng với những gì mà Việt Nam đã đạt được liên quan đến các thỏa thuận trong khu vực và quốc tế thì kinh tế Việt Nam sẽ có diện mạo thế nào khi năm 2015 sắp khép lại thưa ông?
Ông Vũ Đình Ánh: Với sự vận hành đúng hướng như hiện nay của kinh tế Việt Nam, có thể dự báo từ nay đến cuối năm hầu hết các chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm 2015 sẽ hoàn thành, thậm chí là khá nhiều chỉ tiêu sẽ vượt, ngoài chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP là chỉ tiêu tổng hợp thì còn các chỉ tiêu liên quan đến tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo báo cáo 9 tháng cũng đã tăng hơn 31% GDP.
Đây là chỉ số sẽ đạt mục tiêu do tác động khá tích cực của cả vốn đầu tư ngoài khu vực nhà nước, đặc biệt là việc thu hút và giải ngân vốn thực hiện của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo nhiều đánh giá trong các diễn đàn đầu tư gần đây thì môi trường đầu tư Việt Nam đang được cải thiện và Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các nguồn vốn trên thế giới trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có những biến động khá phức tạp.
Bên cạnh đó, thu nhập và tiêu dùng của người dân cũng được cải thiện một cách đáng kể. Chỉ số về tổng mức bán lẻ hàng hóa và phục vụ tiêu dùng đã phục hồi về mức xấp xỉ 10% nếu loại trừ yếu tố giá.
Đặc biệt ngành công nghiệp là ngành trụ cột; trong đó có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã phục hồi và thông qua đó giảm được hàng tồn kho. Có thể tin tưởng là năm 2015, cơ bản chúng ta sẽ đạt được các chỉ tiêu đã được đề ra và trước mắt có thể tạm thời an tâm nhưng có lẽ những khó khăn, thách thức ở phía trước vẫn còn rất nhiều.
- Bức tranh về kinh tế Việt Nam 2015 đã được ông mô tả tương đối rõ nét ở nhiều lĩnh vực. Vậy theo ông sẽ có những cơ hội nào được mở ra trong thời gian tới và nó nằm ở những lĩnh vực nào thưa ông?
Ông Vũ Đình Ánh: Cơ hội đầu tiên mà chúng ta thấy là sau một thời gian thực hiện biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô thì được cả hai: Thứ nhất trong thực tế chúng ta ổn định được khá nhiều chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô. Thứ hai là chúng ta rút được nhiều kinh nghiệm trong việc làm thế nào duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và làm thế nào để ngăn ngừa được việc mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Vấn đề nữa là chúng ta đã có những kinh nghiệm thực tế về vấn đề chúng ta không quá nôn nóng, nóng vội trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đã có lộ trình đi từng bước. Tốc độ tăng dần theo thời gian và đi với những bước vững chắc. Đây cũng là điểm rất quan trọng mà chúng ta đã rút được và cho nhưng bước đi thời gian tới. Hiệp định thương mại tự do EU rõ ràng sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế Việt Nam.
Đó là những cơ hội, nhưng bên cạnh đó cũng không ít thách thức. Nổi bật và lớn nhất là thách thức về năng lực cạnh tranh, cả về cấp quốc gia và cấp ngành nghề, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.
- Thưa ông Vũ Đình Ánh, trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì những yếu tố nào sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và điều này có tồn tại lâu không?
Ông Vũ Đình Ánh: Chúng ta đang có những chuyển hướng nhất định trong việc hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài, không phải bằng mọi giá mà chúng ta có những lựa chọn nhất định để hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam một cách hữu hiệu và hữu ích nhất. Đây là định hướng đúng, do đó trong bối cảnh này chúng ta vẫn thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng lên, kể cả vốn cam kết và vốn thực hiện.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá môi trường đầu tư vào Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, hứa hẹn nhiều cải thiện trong thời gian tới, do đó sức hấp dẫn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào V iệt Nam trong thời gian tới đây sẽ có thể tăng lên.
Mặt khác, các định hướng này khá phù hợp, tức là có sự gặp nhau giữa các định hướng chung của chúng ta trong việc phát triển kinh tế Việt Nam với định hướng của các nhà đầu tư nước ngoài. Một điểm nữa không thể bỏ qua đó là việc tất cả những nhà đầu tư cũng như giới hoạch định chính sách và cả giới chuyên môn cũng đều đánh giá là các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra một cánh cửa rất tốt và có sức hấp dẫn rất đáng kể với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
- Thưa ông, việc SCIC sẽ thoái vốn khỏi một loạt những doanh nghiệp lớn Vinamilk, FPT, hay nhựa Bình Minh có ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán?
Ông Vũ Đình Ánh: Quyết định thoái vốn các doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, FPT, hay nhựa Bình Minh không hẳn là quyết định tự thân của SCIC, mà đây là do áp lực từ phía trên khi có những nhận định trong thời gian qua chủ yếu thoái vốn ở những doanh nghiệp làm ăn một cách bình thường, thậm chí những doanh nghiệp thua lỗ hay chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Lần này chúng ta quyết tâm thoái vốn ở những doanh nghiệp Nhà nước. Có thể nói, thứ nhất, quy mô rất lớn; thứ hai, đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường.
Quan trọng nhất là thông qua việc SCIC thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp Nhà nước đang làm ăn có hiệu quả và đang có lợi nhuận lớn trong thời gian gần đây thì ít nhất trong ngắn hạn sẽ cải thiện được thị trường tài chính.
Quan trọng hơn về mặt trung và dài hạn sẽ giúp chúng ta xác lập một cách rõ ràng hơn về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế nói chung cũng như vai trò của một nhà đầu tư vào các doanh nghiệp, cũng như vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
- Từ những nền tảng mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2015, vậy theo nhận định của ông, kinh tế Việt Nam sẽ có một triển vọng như thế nào trong năm 2016?
Ông Vũ Đình Ánh: Trên nền tảng chúng ta tạo dựng được trong năm 2015 cả về mặt chính sách, cơ chế cũng như kết quả thực tế về phát triển kinh tế xã hội thì năm 2016 sẽ có những điểm sáng mới. Với mức duy trì tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 7% trong năm 2016.
Bên cạnh đó, việc mở cửa hội nhập trong thời gian tới Việt Nam sẽ có những thuận lợi trên các mặt như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cũng như cơ hội để cải cách mãnh mẽ hơn thể chế kinh tế dựa trên nền tảng những thuận lợi nêu trên.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến một số vấn đề liên quan đến quản lý nợ công trong năm 2016, khi có nhiều thông tin cho rằng nợ công và các nghĩa vụ trả nợ đang có xu hướng tăng lên và điều này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến việc cân đối ngân sách nhà nước, đối ngoại và dự trữ ngoại hối trong thời gian tới./.
Theo TTXVN.