chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Lãnh đạo Hồng Kông dự báo kinh tế tăng trưởng âm trong 2019
12:00 | 30/10/2019
Theo tin từ Reuters, cách đây 2 ngày, ông Paul Chan - người đứng đầu cơ quan tài chính thuộc chính quyền Hồng Kông - cho biết nền kinh tế đã chính thức rơi vào suy thoái và nhiều khả năng không tăng trưởng trong 2019.
Bắt đầu từ việc phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nổ ra vào đầu tháng 6 đã lan rộng thành một phong trào ủng hộ dân chủ, đẩy trung tâm tài chính số 1 châu Á vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và gây tổn hại lớn cho nền kinh tế.
Cuối tuần vừa rồi, biểu tình tiếp diễn trên các đường phố ở Hồng Kông, người biểu tình phóng hỏa nhiều cửa hiệu và ném bom xăng vào cảnh sát, trong khi cảnh sát đáp trả bằng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su. Cảnh tượng này đã trở nên "quen thuộc" trên các đường phố Hồng Kông vào mỗi cuối tuần.
"Ảnh hưởng tiêu cực của biểu tình đối với nền kinh tế của Hồng Kông là điều dễ hiểu", ông Chan viết trong một bài blog hôm Chủ nhật, cho biết số liệu về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 dự kiến công bố vào ngày thứ Năm tuần này sẽ cho thấy nền kinh tế giảm hai quý liên tiếp - đáp ứng định nghĩa suy thoái.
Ngoài ra, ông Chan cũng nói "cực kỳ khó" để kinh tế Hồng Kông đạt mức dự báo tăng trưởng 0-1% cho cả năm mà chính quyền đưa ra trước khi nổ ra phong trào biểu tình.
"Đánh giá hiện nay của chúng tôi là nền kinh tế có thể suy giảm trong cả năm nay, có nghĩa là chúng ta sẽ không thể đạt mục tiêu tăng trưởng dù đã hạ mục tiêu về 0-1%", bà Lam nói ngày thứ Ba. "Tình hình hiện tại rất xấu".
Bà Lam cũng nói chính quyền Hồng Kông sẽ triển khai các biện pháp mới để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng không có biết cụ thể hơn. Tuần trước, chính quyền Hồng Kông công bố một kế hoạch 2 tỷ Đôla Hồng Kông để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biểu tình, sau khi công bố một gói kích cầu 19,1 tỷ Đôla Hồng Kông (2,4 tỷ USD) hồi tháng 8.
Cũng theo bà Lam, Chính phủ Trung ương ở Bắc Kinh tin tưởng rằng chính quyền của bà có thể đưa Hồng Kông trở lại bình thường và ủng hộ bà trong các nỗ lực lập lại trật tự và thượng tôn pháp luật.
Người biểu tình Hồng Kông phản đối điều họ cho là sự can thiệp ngày càng lớn của Bắc Kinh vào Hồng Kông, vùng lãnh thổ được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 và áp dụng cơ chế "một quốc gia, hai chế độ".
Trung Quốc phủ nhận có sự can thiệp như vậy vào Hồng Kông, đồng thời cáo buộc các thế lực nước ngoài, gồm Mỹ và Anh, khuấy đảo bất ổn ở Hồng Kông.
Do biểu tình căng thẳng, lượng du khách quốc tế tới Hồng Kông đã sụt giảm mạnh. Trong tháng 10, lượng du khách giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo sự sụt giảm kỷ lục của doanh thu bán lẻ, song song với tỷ lệ thất nghiệp và số vụ phá sản gia tăng.
An Huy
Theo VnEconomy