chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu có thể nâng giá đồng USD trong năm 2023
12:00 | 14/12/2022
Xu hướng tăng giá chóng mặt của đồng USD trong năm nay đã đẩy đồng tiền của các quốc giá khác rớt giá mạnh, gây suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng mang lại một điểm sáng hiếm hoi trong danh mục của giới đầu tư toàn cầu. Bạc xanh đã giảm giá trong mấy tuần gần đây, nhưng giới phân tích cho rằng mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu có thể giữ tỷ giá đồng tiền này ở mức cao trong năm 2023.
Ở mức đỉnh thiết lập vào tháng 9, tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ, tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm. Đến hiện tại, thành quả tăng năm nay của USD đã giảm còn một nửa, vì giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp đến lúc hãm bớt tốc độ tăng lãi suất - nhân tố quan trọng “tiếp lửa” cho sự tăng giá của USD trong năm nay.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là một chất xúc tác chính cho đà lên giá của bạc xanh, nhưng các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích xu hướng tăng. Giới đầu tư đã đổ xô mua USD, bởi đồng tiền này vốn được xem là một “hầm trú ẩn” trong những trường hợp kinh tế bất ổn, njawmf bảo toàn giá trị tài sản trước những biến động thị trường trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng vọt, giá năng lượng leo thang, và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Sức hấp dẫn của đồng USD còn tăng cao nhờ nền kinh tế Mỹ “khoẻ” hơn tương đối so với các nền kinh tế khác, khi nỗi lo về khủng hoảng năng lượng nhấn chìm giá nhiều tài sản ở châu Âu, còn chiến lược chống dịch hà khắc Zero Covid bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Dù đã để mất một phần thành quả tăng, đồng USD vẫn đang trên đà hoàn tất năm tăng giá mạnh nhất kể từ 2014. Các nhà quản lý quỹ được khảo sát bởi BofA Global Research cho biết giao dịch USD là giao dịch đông đúng nhất trên thị trường tài chính tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 11 vừa qua. Ngoài ra, một con số kỷ lục các nhà quản lý quỹ được khảo sát nói rằng đồng USD đang được định giá quá cao so với giá trị thực.
Dù vậy, một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters với sự tham gia của 66 chiến lược gia ngoại hối cho thấy sau 1 năm nữa, tỷ giá đồng USD vẫn ở vùng hiện tại. Nhiều chiến lược gia trong số này dự báo chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng và một lần nữa lại tạo ra môi trường để đồng USD phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn.
Dự báo chuẩn xác về đường đi của đồng USD là một vấn đề rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, bởi tỷ giá bạc xanh có ảnh hưởng đến mọi thứ từ lợi nhuận của doanh nghiệp cho tới giá của các hàng hoá cơ bản như dầu thô và vàng.
Đồng USD mạnh sẽ khiến cho sản phẩm của các nhà sản xuất Mỹ kém sức cạnh tranh ở nước ngoài, đồng thời gây thiệt hại cho các công ty đa quốc gia của Mỹ khi chuyển đổi lợi nhuận từ ngoại tệ sang USD. Theo ngân hàng Bank of America, mức độ chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá của chỉ số chứng khoán S&P 500 là 30%, trong đó công nghệ và nguyên vật liệu là những nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất. Nhưng mặt khác, đồng USD mạnh cũng giúp Mỹ giảm bớt áp lực lạm phát vì giảm chi phí nhập khẩu hàng hoá.
Nike, IBM và Meta Platforms là vài trong số những công ty đã lên tiếng cảnh báo về thiệt hại lợi nhuận trong năm nay do đồng USD tăng giá. Theo trưởng nghiên cứu Tom Lee của Fundstrat Global Advisors, sự tăng giá của USD sẽ bào mòn khoảng 8% lợi nhuận của các công ty niêm yết thuộc chỉ số S&P 500 trong năm 2022.
Đối với phần còn lại của thế giới, một đồng USD mạnh làm gia tăng sức ép lạm phát vì khiến đồng nội tệ của các quốc gia khác mất giá và làm cho dầu thô và các hàng hoá cơ bản khác định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn khi mua bằng các đồng tiền khác. Bình quân, đồng USD tăng giá 10% sẽ gây lạm phát 1% trên toàn cầu - theo ước tính mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 10. USD tăng giá cũng lam gia tăng gánh nặng nợ nần đối với các doanh nghiệp và chính phủ đi vay bằng USD.
Gần đây, có những dấu hiệu cho thấy tâm lý ở Phố Wall về tỷ giá USD có thể đang dịch chuyển. Dữ liệu công bố vào tháng trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng yếu hơn dự báo, khiến chỉ số Dollar Index giảm 5% trong tháng trước, mức giảm tháng mạnh nhất kể từ năm 2010. Cũng trong tháng 11, các nhà đầu cơ trên thị trường tương lai chuyển sang bán khống ròng USD lần đầu tiên trong 16 tháng.
Trong ngắn hạn, liệu USD có tiếp tục mất giá hay không sẽ tuỳ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát lạm phát của Fed đến đâu và liệu lạm phát có hạ nhiệt đủ nhanh để Fed sớm tiến tới nới lỏng chính sách tiền tệ. Báo cáo CPI tháng 11 công bố ngày 13/12 nếu tiếp tục cho thấy sự xuống thang của lạm phát sẽ gây thêm áp lực giảm giá lên USD. Ngoài ra, những tín hiệu từ Fed khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 13-14/12 cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ giá bạc xanh.
Nhưng trong dài hạn hơn, những mối lo về tăng trưởng kinh tế mới có thể là nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến đồng USD. Gần 80% chiến lược gia được Reuters khảo sát nói rằng dư địa để USD tăng giá trong dài hạn do chính sách tiền tệ là hầu như không còn. Thay vào đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chiếm vị trí tác động lớn hơn cả.
An Huy
Theo VnEconomy