Dự báo

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Năm 2030, kinh tế đô thị sẽ đóng góp khoảng 85% vào GDP

12:00 | 01/12/2022

Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế

Phát biểu tại hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 sáng 30/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.

Để Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 148 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2030 sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu…

Và tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Đặc biệt là xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện địa với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Về mục tiêu trong công tác quản lý và phát triển đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Chương trình hành động xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.

Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950-1.000 đô thị năm 2025 và khoảng 1.000-1.200 đô thị năm 2030.

Đến năm 2025 có 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị. Diện tích sàn nhà ở bình quân trên đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 năm 2025 và 32m2 năm 2030.

Kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% năm 2025 và khoảng 85% năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, để thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 06.

Trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu.

Nếu làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì sẽ có đô thị trật tự và phát triển

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Cụ thể, đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước; tỉ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41% tháng 6/2022.

Cùng với đó, không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn. Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Năm 2030, kinh tế đô thị sẽ đóng góp khoảng 85% vào GDP ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị - Ảnh: VGP

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu rõ, sau hơn 10 năm thực hiện điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, rất nhiều khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và các thách thức cần vượt qua.

Trong đó, nổi lên một số vấn đề như quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa) chưa phát triển ngang tầm kinh tế, nhất là khi có diễn biến bất thường như đại dịch COVID-19, tình trạng quy hoạch treo ở một số nơi.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số thách thức như làm thế nào để tăng trưởng của các đô thị không gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, không áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có, không phát triển phân tán thiếu bền vững, không làm hạn chế các cơ hội của thế hệ tương lai; khắc phục các điểm nghẽn trong phát triển, tạo lập các nguồn lực mới cho đô thị; thúc đẩy sự hình thành và phát triển mới các mô hình đô thị bền vững hơn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hòa, kinh tế số...

Để hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng cho rằng cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn; triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, cần coi trọng và đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch; đa dạng hóa, kết hợp, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực; thống nhất nhận thức và hành động. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và đánh giá, tổng kết kinh nghiệm.

Nhấn mạnh quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị, Thủ tướng cho rằng quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.

"Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá. Công tác quy hoạch làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng", Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, quy hoạch tổng thể nhưng thực hiện có thể phân kỳ phù hợp với nguồn lực. "Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ có một đô thị trật tự và phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Liên quan đến nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, Thủ tướng yêu cầu phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nếu cần thiết thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhất là trong việc xử lý những điểm nghẽn trong phát triển đô thị. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị.

Hoàng Hà

undefined