OECD ha du bao tang truong kinh te toan cau nam 2020 do dich COVID-19 hinh anh 1
(Nguồn: ekathimerini)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 2/3 đã hạ 0,5 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống còn 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Đồng thời, OECD cũng cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.

Trong nghiên cứu toàn diện đầu tiên của mình về tác động của dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, OECD cho biết nền kinh tế toàn cầu đã có nguy cơ suy thoái rõ ràng trong quý 1 này.

Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc trong tuần trước, khi giới đầu tư tìm đến trái phiếu và các kênh đầu tư an toàn khác do lo ngại chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp sẽ “đóng băng” do dịch bệnh, từ đó làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp.

Tại Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 4,9% trong năm 2020, giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo ban đầu mà OECB công bố hồi tháng 11/2019.

Theo số liệu mới đây, Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã giảm xuống 35,7 điểm trong tháng Hai vừa qua, thấp hơn nhiều so với mốc 50 điểm - ranh giới giữa tăng trưởng và suy thoái. Đây là mức tối tệ nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2005.

Tổ chức gồm 36 thành viên này cho rằng thế giới đang cảm nhận được tác động từ sự sụt giảm sản lượng ở Trung Quốc, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục "phủ bóng đen" lên hoạt động chế tạo, thương mại, du lịch và hoạt động đi lại.

Các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh ở Trung Quốc đã dẫn đến các lệnh cách ly, cũng như hạn chế hoạt động đi lại và làm việc. Điều này đã khiến nhiều nhà máy trì hoãn hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng giảm mạnh.

OECD cho rằng việc tạm ngừng hoạt động du lịch ra nước ngoài của người dân Trung Quốc là một cú sốc về nhu cầu lớn trong ngắn hạn.

Theo OECD, so với những sự kiện tương tự từng diễn ra như dịch SARS năm 2003, kinh tế toàn cầu mang tính kết nối nhiều hơn và Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn nhiều trong sản lượng, thương mại, du lịch và các thị trường hàng hóa toàn cầu. Điều này làm gia tăng hiệu ứng lan tỏa về kinh tế từ cú sốc ở Trung Quốc sang các nước khác.

OECD đã hạ 0,4 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Italy, Nhật Bản, Nga. Mức hạ này đối với các nền kinh tế Canada, Pháp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina là 0,3 điểm phần trăm. Tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro được dự đoán vẫn ảm đạm ở mức trung bình khoảng 1% trong năm 2020 và 2021.

OECD cũng hạ 1,1 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, của Nam Phi là 0,6 điểm phần trăm, và đối với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Australia và Mexico là 0,5 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, OECD cho biết các mức dự báo nói trên được đưa ra trên giả định dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh tại Trung Quốc trong quý 1 này và hạ nhiệt tại các nước khác. Trong trường hợp này, tăng trưởng toàn cầu có thể phục hồi lên 3,3% trong năm 2021 và tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tăng lên 6,4%.

Nhưng nếu dịch bệnh diễn biến trầm trọng và kéo dài hơn, lan rộng ra khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Nam Mỹ, điều này sẽ làm giảm đáng kể các triển vọng của kinh tế thế giới.

Trong trường hợp này, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống còn 1,5% năm nay, chỉ bằng một nửa mức dự báo trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Trước tình hình đó, OECD hối thúc chính phủ các nước "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để vượt qua dịch bệnh và có biện pháp bảo vệ thu nhập của các nhóm và doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay chi trả các chi phí y tế liên quan đến dịch COVID-19.

Cũng theo OECD, các nước nên xem xét các biện pháp giảm hay hoãn thuế, nợ cũng như giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp ở những vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, cũng như giảm tạm thời tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Bên cạnh dịch COVID-19, OECD cho biết các nguy cơ khác đối với kinh tế toàn cầu còn có căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự bất ổn liên quan mối quan hệ thương mại tương lai giữa Liên minh châu Âu và nước Anh hậu Brexit./.


Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)