chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Tăng trưởng EPS 2022 dự báo chỉ 17,5%, áp lực lãi suất vẫn còn
12:00 | 10/10/2022
Trong báo cáo chiến lược thị trường vừa công bố, Mirae Asset cập nhật cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo tăng lãi suất cũng như trần huy động cho kỳ hạn dưới 6 tháng lên 1 điểm %. Đáng lưu ý, lợi suất kỳ vọng của Trái phiếu Chính phủ đã tăng đáng kể trong phiên ngày 21 tháng 9, cho thấy rằng các thành phần tham gia thị trường đã đặt cược vào việc tăng lãi suất.
Việc tăng trần huy động ngắn hạn là cần thiết, giúp cho nhiều ngân hàng nhỏ có thể linh động hơn trong việc điều tiết thanh khoản ngắn hạn. Lãi suất huy động ngắn hạn của nhóm ngân hàng này đã chạm trần (4%) trong nhiều tháng trở lại đây.
Theo nhận định của Mirae Asset, khả năng cao sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong Q4/2022 hay 6T2023. So với lãi suất của FED đã vượt mức lãi suất trước COVID-19, lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn còn cách mốc trước dịch 100bps. Thêm vào đó, FED cũng có kế hoạch cho các đợt nâng tiếp theo trong giai đoạn còn lại của năm 2022, vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất điều hành nội địa.
Tuy nhiên, mốc thời gian tăng sẽ tùy thuộc nhiều vào diễn biến tỷ giá cũng như vấn đề thanh khoản của hệ thống.
Trong 6T2022, NIM trung bình của các Ngân hàng niêm yết tăng 15bps dựa vào giảm tỷ trọng huy động từ tiền gửi. Việc thắt chặt tính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí huy động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo quan sát thì các Ngân hàng Thương mại cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động (mốc tham chiếu cho việc tính lãi suất cho vay) từ giữa năm 2022, vì vậy, ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lên NIM của ngân hàng sẽ không quá tiêu cực.
Trong lần tăng lãi suất gần đây nhất từ mức 7% lên mức 13% vào năm 2011, nợ xấu nội bảng đã có mức tăng đột biến (gần gấp đôi). Tuy không thể nói tăng lãi suất là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tăng nợ xấu, tuy nhiên, chi phí vay gia tăng sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của người đi vay, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn.
Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán, theo Mirae Asset, áp lực lạm phát ở Việt Nam có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, cũng như trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa ổn định hơn.
Tuy nhiên, VN-Index đã phải chịu một đợt bán tháo lớn, phần lớn là do tâm lý tiêu cực đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed và Ngân hàng Nhà nước, cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Hơn nữa, tâm lý thị trường cũng phản ánh căng thẳng địa chính trị gia tăng khi Nga gần đây đã tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
Những biến động gần đây do các sự kiện địa chính trị toàn cầu gây ra góp phần làm nổi bật các lợi thế của Việt Nam. Tầm nhìn đến cuối năm 2022, Mirae Asset có những nhận định/kỳ vọng sau: 1) Giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát; 2) Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang có sự tái cấu trúc mạnh mẽ; và 3) lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến các ngành/công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.
Nếu các yếu tố vĩ mô của thế giới và trong nước không diễn biến xấu hơn, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 là 17,5%, so với mức kì vọng của thị trường là 22% YoY. Do tâm lý ngại rủi ro hiện đang chiếm ưu thế, kì vọng chỉ số VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000 – 1.060 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2022 là 9,9x –10,5x.
Vì vậy, những nhịp điều chỉnh tiếp theo sẽ mở ra cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt, với kì vọng đầu tư trung và dài hạn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên lưu ý về những áp lực đến từ thế giới có thể tác động tiêu cực vào sự tăng trưởng/ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý, trong tháng 9, tỷ giá USD/VND đã tăng xấp xỉ 1,9% so với tháng trước. Những áp lực bên ngoài có thể gián tiếp khiến khối ngoại bán ròng.
Thu Minh
Theo VnEconomy