Dự báo

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

TFA giúp kim ngạch ngoại thương toàn cầu tăng 1.000 tỷ USD mỗi năm

12:00 | 27/10/2015

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đây là ước tính đầu tiên về tác động của hiệp định này được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra trong báo cáo mới nhất công bố ngày 26/10.

Theo báo cáo trên, việc thực thi đầy đủ TFA - hiệp định đạt được hồi tháng 12/2013 tại Bali (Indonesia) - sẽ giúp giá trị xuất khẩu tại các nước đang phát triển tăng từ 170-730 tỷ USD/năm; trong khi con số này tại các nước phát triển vào khoảng 310-580 tỷ USD/năm.

Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đánh giá báo cáo trên cung cấp "một bằng chứng mới về một "động lực quan trọng" đối với kinh tế các nước thành viên khi giúp mở rộng hoạt động thương mại thế giới, cắt giảm chi phí, cũng như hỗ trợ các nước phát triển và đang phát triển hội nhập vào một hệ thống sản xuất ngày càng được toàn cầu hóa."

Theo ông Azevedo, "thế giới đang ngày càng gắn kết hơn bao giờ hết và ngày càng có nhiều các nước đang phát triển đang nỗ lực gia nhập vào các mạng lưới thương mại toàn cầu."

Ông đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi đầy đủ TFA, cho rằng nếu không có một thỏa thuận như TFA thì các rào cản thương mại vẫn còn tồn tại, trong khi các thủ tục hải quan lỗi thời sẽ tiếp tục làm trì trệ "sự lưu chuyển hàng hóa và khiến chi phí các mặt hàng tăng cao".

Trước đó, một báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Peterson tại Washington (Mỹ) cũng dự đoán việc thực hiện TFA có thể giúp tạo ra khoảng 21 triệu việc làm, trong đó 18 triệu việc làm ở các nước đang phát triển.

Hồi tháng 11/2014, các nước thành viên WTO đã thống nhất thông qua Nghị định thư sửa đổi để đưa vào hệ thống các hiệp định bắt buộc của WTO một hiệp định mới là TFA với mục đích đơn giản hóa các thủ tục hải quan và nới lỏng các rào cản thương mại.

Hiệp định này được bắt đầu đàm phán từ năm 2004 và đã hoàn tất vào tháng 12/2013 sau gần 10 năm đàm phán. Đây là thỏa thuận đa phương đầu tiên về cải cách thương mại trong 20 năm qua của tổ chức này, và chỉ có hiệu lực ngay sau khi được ít nhất 2/3 trong tổng số 160 nước thành viên WTO phê chuẩn. Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 50 nước thông qua./.

Theo TTXVN.

undefined