chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Thành phố thông minh - tương lai châu Á?
12:00 | 26/10/2015
Khách hàng trải nghiệm ứng dụng mua sắm thông minh với thiết bị đeo tay của Master Card tại “Diễn đàn sáng tạo toàn cầu” diễn ra ở Kuala Lumpur cuối tháng 9-2015. Ảnh: Hồng Phúc Mô hình thành phố thông minh được trình diễn ở Diễn đàn sáng tạo toàn cầu 2015 của MasterCard diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) mới đây đã mô phỏng sinh hoạt của một cư dân “thành phố thông minh”. Bạn đeo một thiết bị ở tay giống như đồng hồ đeo tay và thiết bị đó tích hợp toàn bộ dữ liệu về cá nhân bạn. Khi về nhà, bạn giơ tay chỉ vào ti vi nó sẽ bật lên đúng kênh bạn thích, chỉ vào tủ lạnh nó sẽ mở ra đúng ngăn có loại nước bạn hay uống. Tủ quần áo mở ra ngăn chứa đồ mặc ở nhà với một động tác xê dịch của đầu ngón tay... Khi bạn ra sân bay, dữ liệu trên thiết bị đeo tay này chỉ cho bạn đúng đường đi và thời gian sẽ đến, quầy phải check-in, số ghế ngồi trên máy bay. Khi bạn đi mua sắm, nó sẽ chỉ gian hàng, món đồ bạn muốn mua... Đó chỉ là một ví dụ, bởi vì còn cả chục hoạt động thường ngày khác của bạn cũng được các thiết bị giúp sức. Một giải pháp gọi là “Qkr!” cho phép bạn đặt trước bữa trưa ở trường cho con mình, với giá tiền và các chỉ số dinh dưỡng bạn muốn. Ứng dụng “Digital pay” cho phép bạn check-in tại một nhà hàng và thanh toán hóa đơn trực tiếp từ thiết bị thông minh của mình mà không cần người phục vụ, điều này giúp tiết kiệm 8-12 phút cho mỗi bữa ăn. Nó cũng có thể chia tiền hóa đơn theo số người và theo từng sản phẩm. Ứng dụng khác có tên “Clothespin” giúp bạn xác định vị trí các điểm giặt đồ công cộng xung quanh mình và lựa chọn, trả tiền cho máy giặt tự động bằng điện thoại thay vì dùng tiền mặt hay tiền xu như truyền thống. “HomeSend” là ứng dụng khác giúp chuyển tiền kiều hối cho người thân xuyên biên giới ngay lập tức từ thẻ thanh toán, tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt, bất kể hai người đó đang ở đâu trên thế giới... Ở thành phố thông minh, khi bạn muốn đi ra ngoài, chỉ với một nút bấm trên điện thoại, bạn sẽ biết mình có những lựa chọn nào, tốn bao nhiêu tiền, chuyến xe buýt gần nhất mấy phút nữa sẽ tới, chiếc taxi gần nhất đang ở đâu, quán cà phê, nhà hàng nào phù hợp với cuộc hẹn... Thậm chí, sự chia sẻ dữ liệu trong tương lai có thể chỉ cho bạn biết người bạn muốn hẹn có sở thích ăn, uống gì. Tất cả thông tin trong vòng tròn quan tâm của bạn có thể được cung cấp ngay và giúp bạn thực hiện ngay hành động muốn làm. Các giao dịch này được kết nối với người dùng qua tin nhắn ở điện thoại, thiết bị cầm tay, hay máy tính... nhưng nhiều nhất là qua điện thoại thông minh. Chúng là các giao dịch số không còn cần đến thẻ nhựa và tiền mặt, hay giấy tờ, sổ sách, hóa đơn... Theo các chuyên gia tại diễn đàn này, khi mọi người di chuyển từ một thế giới có thể giấu mình tới một trạng thái kết nối liên tục, mà đó là nơi mà thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số hội tụ, những thành phố mới sẽ hình thành nhờ sự kết nối hàng chục ngàn tổ chức tài chính, hàng triệu doanh nghiệp và hàng trăm triệu chủ thẻ toàn cầu. Không gian này sẽ thay đổi cách thế giới đang hoạt động, các công ty đang kinh doanh, cách con người đang tư duy và trải nghiệm. Những khởi động Điều này có trở thành hiện thực hay chỉ là sự tưởng tượng quá đà? Một khảo sát mới của MasterCard vừa công bố cho biết ví điện tử đang đi đầu trong việc khởi động đổi mới thanh toán tại khu vực thị trường mới nổi lớn nhất và năng động nhất thế giới hiện nay là châu Á, trong đó nổi lên là các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Chỉ cần nạp tiền của bạn thông qua một máy nạp tiền (rất phổ biến nơi công cộng) vào một tấm thẻ (ví dụ có tên Izlink), bạn có thể dùng tấm thẻ đó đi xe buýt, tàu điện ngầm, thanh toán ở siêu thị, cửa hàng ăn, rạp chiếu phim, trung tâm giải trí... Tại mỗi nơi, chỉ cần giơ tấm thẻ vào thiết bị đọc thẻ rất nhỏ gắn ở cửa ra vào, máy sẽ trừ tiền trong ví của bạn. Đến khi hết tiền, bạn nạp tiền vào ví điện tử như một chiếc ví bình thường. Tức là, bạn hoàn toàn thoải mái khi đi ra phố với duy nhất một tấm thẻ trên tay. Mới đây, năm thành phố châu Á gồm Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Seoul và Hồng Kông đã được đưa vào danh sách 10 thành phố được nhiều người đến nhất toàn cầu, vượt qua các thành phố lớn của châu Âu và Mỹ. Sam Ahmed, Trưởng bộ phận tiếp thị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của MasterCard, nói với các nhà báo rằng châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực thương mại điện tử lớn nhất thế giới với 567 tỉ đô la Mỹ được giao dịch qua kênh giao dịch số năm 2014. “Ở đây có 60% dân số thế giới và giá trị tiền được thanh toán trực tuyến đã tăng gấp đôi trong năm ngoái, tăng mạnh hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Cách châu Á đang hoạt động sẽ thiết lập lộ trình ngành bán lẻ trực tuyến toàn cầu trong năm năm tới”, ông Sam Ahmed nhấn mạnh “Nghiên cứu cho thấy rằng các thị trường mới nổi đang ở độ chín muồi cho sự thay đổi nền tảng thanh toán mà trọng tâm là giao dịch điện tử, và đây là lý do diễn đàn toàn cầu về đổi mới của MasterCard được tổ chức tại Kuala Lumpur, nơi tụ họp các chuyên gia từ các ngành công nghiệp dịch vụ tài chính, kinh doanh và khu vực công để thảo luận về tương lai thanh toán”, ông Matthew Driver, người điều hành nhóm sản phẩm và giải pháp toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của MasterCard, nói. Ông Matthew Driver cho biết: “Những phát hiện từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự “khao khát” đáng kinh ngạc ở nhu cầu thay đổi thói quen tiêu dùng tại các thị trường mới nổi. Người dân ở đây đang tìm kiếm những cách thức mới hơn, thuận tiện, an toàn hơn khi trả tiền. Trong đó, Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria nổi lên như là ba nơi mà tỷ lệ thanh toán qua tin nhắn SMS, các hóa đơn điện tử và giao dịch số thâm nhập rất nhanh”. “Các cơ sở của sự thay đổi đang xảy ra, các hãng công nghệ đua nhau làm cuộc sống con người khác biệt”, Chủ tịch khối thị trường toàn cầu của MasterCard, bà Ann Cairns nói với các nhà báo. Theo bà, “dù ta muốn hay không thì đó là xu thế tất yếu. Các thành phố thông minh sẽ sớm mọc lên!”. Theo Saigontimes.