chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Triển vọng kinh tế và đầu tư toàn cầu năm 2023
12:00 | 03/01/2023
Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 24/12 đăng bài viết dự báo về triển vọng kinh tế và đầu tư toàn cầu trong năm 2023 với một số điểm đáng chú ý sau:
Trên bình diện toàn cầu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cho đến khi lãi suất đạt đỉnh khoảng 5%. Sau đó, sự hỗn loạn gia tăng của thị trường từ một sự kiện tín dụng lớn hoặc suy thoái kinh tế nghiêm trọng sẽ khiến Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm, điều này sẽ ngăn nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sâu. Trong khi đó, châu Âu sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng ngày càng cao, đẩy chi phí sinh hoạt lên cao và gây ra lạm phát kèm suy thoái (lạm phát đình trệ).
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách "Không COVID" bằng chứng là các thông tin trong tuần này cho thấy họ đang xem xét bỏ yêu cầu cách ly đối với khách du lịch từ nước ngoài. Bắc Kinh được dự báo có thể xóa bỏ hoàn toàn chính sách Không COVID vào quý II/2023 hoặc thậm chí sớm hơn.
Các vấn đề địa chính trị trên thế giới được dự báo sẽ vẫn là nguyên nhân chính gây lo ngại trong năm tới.
Về trong nước, nền kinh tế Thái Lan sẽ chậm lại so với năm 2022. Nó sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong quý đầu tiên trước khi bắt đầu mất đà vì một số lý do chính sau. Đó là nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ giảm tốc nghiêm trọng trong nửa cuối năm 2023, dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu. Tiêu dùng tư nhân sẽ là một động lực quan trọng của nền kinh tế Thái Lan, nhưng các động lực khác như đầu tư tư nhân và chi tiêu chính phủ (cả tiêu dùng và đầu tư) sẽ yếu đi. Trong khi đó, ngành du lịch sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với khoảng 21 triệu đến 25 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, tăng từ 10 triệu lượt trong năm nay.
Những triển vọng khác biệt
Với tình hình kinh tế thế giới, nhất là các thị trường phát triển, đang trong tình trạng suy thoái nhẹ, sự phân hóa về tăng trưởng, lãi suất và lạm phát giữa các nước phát triển và đang phát triển sẽ ngày càng rõ nét. Điều này tạo ra cả rủi ro và cơ hội đầu tư vào các tài sản khác nhau như sau:
Đối với hhàng hóa, mặc dù giá sẽ cao, nhưng xu hướng đối với hàng hóa nói chung và năng lượng nói riêng có thể giảm nhẹ. Điều này phản ánh sự sụt giảm nhu cầu khi các nền kinh tế phương Tây chậm lại, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi từ quý II trở đi.
Kết quả là nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm nhẹ, nhưng các nhà sản xuất lớn như Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể không sẵn sàng cắt giảm sản lượng nhiều. Kết quả có thể là dư cung khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% lượng tiêu thụ của thế giới.
Tuy nhiên, yếu tố rủi ro chính đối với giá cả hàng hóa là địa chính trị. Căng thẳng tại Ukraine có thể không gia tăng cường độ nhưng cũng sẽ không lắng xuống. Điều này sẽ tạo ra "phí bảo hiểm chiến tranh" khoảng 10 USD cho mỗi thùng dầu.
Dầu thô Brent có thể đạt mức trung bình khoảng 92 USD, thấp hơn 10% so với mức trung bình ước tính của năm nay. Tài sản có thu nhập cố định sẽ tạo ra lợi suất tốt hơn trong năm tới. Với một cuộc suy thoái nửa cuối năm đẩy lãi suất xuống, các quỹ trái phiếu sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn trong năm tới so với năm nay.
Lãi suất dài hạn có thể sẽ giảm khoảng 50 điểm cơ bản, trong khi lãi suất ngắn hạn sẽ giảm hơn 100 điểm cơ bản, khiến chênh lệch lãi suất trái phiếu bình thường hóa.
Cổ phiếu rất khó phân tích vì nhiều yếu tố. Nhưng nếu dự đoán đúng thời điểm thị trường, năm 2023 có thể là một năm có năng suất cao, đặc biệt là sau khi lãi suất bắt đầu giảm.
Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong năm tới. Ảnh: THX/TTXVN
5 tiêu chí khuyến nghị đầu tư
Nhìn vào 5 thị trường gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan, các khuyến nghị đầu tư dựa trên 5 tiêu chí được tóm tắt như sau:
Thứ nhất, về định giá, được đo bằng tỷ lệ P/E (giá/thu nhập). Theo đó, cổ phiếu của Mỹ đắt nhất, cho dù dựa trên hiệu suất lịch sử hay khi so sánh với các quốc gia khác. Chứng khoán Trung Quốc rẻ nhất theo hai cách đo lường tương tự, trong khi thị trường châu Âu, Thái Lan và Nhật Bản có mức giá hấp dẫn.
Thứ hai, về triển vọng kinh tế, đo bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế khu vực đồng euro là đáng lo ngại nhất, trong khi Mỹ và Nhật Bản có thể tăng trưởng thấp. Nền kinh tế Thái Lan có tiềm năng thú vị trong khi nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong năm tới.
Thứ ba, về chính trị, với châu Âu là mối quan tâm chính nếu căng thẳng Nga-Ukraine xấu đi. Chính trường Mỹ đáng quan ngại ở chỗ, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua dẫn đến việc đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện và đảng Dân chủ giữ Thượng viện. Kết quả có khả năng sẽ là sự bế tắc về mặt pháp lý. Triển vọng chính trị ở Thái Lan và Trung Quốc ổn định hơn, trong khi ở Nhật Bản, triển vọng có thể cải thiện do mở cửa ngành du lịch.
Thứ tư và thứ năm, về chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tài khoá được đo lường bằng lãi suất chính sách vào cuối năm và chính sách tiền tệ được đo lường bằng các khoản giải ngân tài chính của chính phủ. Theo thước đo này, Mỹ và Trung Quốc có chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ, trong khi châu Âu có tình hình tài khóa chặt chẽ. Mặt khác, chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thể trở nên hạn chế nhẹ khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ có tình hình tài khóa thoải mái nhất vào năm tới, sau quyết định của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy ngân sách kích cầu.
Dựa trên 5 thước đo trên, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu có nguy cơ rủi ro cao nhất trong năm tới. Thị trường Trung Quốc là hấp dẫn nhất, trong khi thị trường Thái Lan và Nhật Bản hấp dẫn vừa phải.
Tóm lại, trong nửa đầu năm tới, rủi ro kinh tế khiến đầu tư vào thị trường Mỹ trở nên mạo hiểm, trong khi chủ đề mở cửa trở lại sẽ hỗ trợ thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong nửa cuối năm, việc nới lỏng các điều kiện tiền tệ của Mỹ sẽ khiến đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên thú vị hơn, trong khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ hấp dẫn nhất, đặc biệt là sau khi chính phủ nước này xác nhận chính sách mở cửa trở lại.