Dự báo

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 xuống 3%

12:00 | 04/10/2021

Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý 3/2021 được UOB phát hành nhận định kinh tế quý 3/2021 diễn biến trái ngược với kỳ vọng. Điều này cho thấy thiệt hại nặng nề mà biến thể Delta gây ra đối với nền kinh tế.

BƯỚC THỤT LÙI LỚN

Quý 3/2021, tăng trưởng GDP giảm 6,17%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2000 khi Việt Nam bắt đầu công bố dữ liệu GDP quý. Đây là sự đảo ngược mạnh so với mức tăng 6,57% trong quý 2/2021.

Theo UOB, sự sụt giảm trong quý 3/2021 phần lớn là kết quả của việc đóng cửa và các biện pháp hạn chế được áp dụng trên toàn quốc để ngăn chặn làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 4 năm 2021.

Do đó, sản lượng công nghiệp và xây dựng trong quý 3/2021 giảm 5,02% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng ngành dịch vụ giảm mạnh tới 9,28%.

Cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các hoạt động ngoại thương cũng giảm tốc trong quý 3/2021, với xuất khẩu tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng cao được ghi nhận vào tháng 5/2021 (31%).

Trong khi đó, nhập khẩu chỉ giảm nhẹ, khiến thâm hụt thương mại vọt lên 3,4 tỷ USD so với đầu năm, đảo ngược vị thế thặng dư thương mại vốn có.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 cũng giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự gián đoạn trong cả sản xuất và tiêu dùng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp thay đổi theo tháng/năm

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GDP chậm lại ở mức 1,42%. Theo UOB, mức tăng trưởng này thậm chí còn thấp hơn mức tăng 2,12% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020 khi thế giới đang chống chọi với đại dịch Covid-19.

CHỈ LÀ TẠM THỜI?

Bất chấp một năm đầy thách thức, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký đạt 22,1 tỷ USD, cao hơn mức 21,2 tỷ USD đăng ký trong cùng kỳ năm 2020.

“Dòng vốn này được thúc đẩy bởi cả đầu tư hiện tại và đầu tư gia tăng, tái khẳng định quan điểm rằng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhìn xa hơn cuộc đấu tranh với đại dịch trong hiện tại và tập trung vào tiềm năng kinh doanh phía trước của Việt Nam”, báo cáo nhận định.

Sắp tới, khi các biện pháp cách ly đặc biệt là ở các trung tâm sản xuất lớn ở miền Nam dự kiến sẽ được dỡ bỏ từ tháng 10/2021 và tốc độ tiêm chủng tăng nhanh, UOB tin rằng các doanh nghiệp và nhà máy sẽ hoạt động trở lại vững chắc hơn trong quý 4/2021.

Tuy vậy, với tốc độ mở rộng kinh tế từ đầu năm chỉ ở mức 1,42%, tăng trưởng GDP cả năm có thể sẽ là một thách thức để vượt quá tốc độ tăng trưởng 2,9% trong năm 2020.

Tăng trưởng GDP qua các năm

“Giả sử việc mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra thuận lợi để cho phép các doanh nghiệp và nhà máy “bắt kịp” sản lượng bị mất và tỷ lệ tiêm chủng tăng theo kế hoạch, GDP của Việt Nam có thể phục hồi lên 7% trong quý 4/2021. Điều này sẽ giúp tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 3%, thấp hơn so với dự báo trước đây là 5%”, UOB nhận định.

Và khi các hoạt động trở lại “bình thường mới”, UOB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt 7,4%.


Ngân Hà

Theo VnEconomy

undefined