chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
WB bất ngờ lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023
12:00 | 08/06/2023
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ tốt hơn so với kỳ vọng nhờ vào tiêu dùng người dân Mỹ vững vàng và quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc tốt hơn so với khoảng thời gian đầu năm, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
WB vẫn tin rằng tăng trưởng kinh tế nửa sau năm 2023 sẽ chững lại và tăng trưởng sẽ chịu nhiều sức ép trong năm sau, theo dự báo công bố vào ngày thứ Ba. WB cảnh báo lạm phát cao dai dẳng và các đợt nâng lãi suất đang gây tổn hại đến hoạt động kinh tế khắp thế giới, đặc biệt tại nhóm các nước đang phát triển.
WB dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao hơn tỷ lệ 1,7% theo dự báo của các chuyên gia WB trước đây. Ước tính mới nhất cho thấy sự suy giảm so với con số 3,1% của năm ngoái.
“Kinh tế toàn cầu hiện vẫn đang trong tình trạng khó khăn”, WB nhấn mạnh trong báo cáo triển vọng kinh tế bán niên mới đây. WB nhấn mạnh rằng những cú sốc chồng chéo từ đại dịch COVID-19, căng thẳng Nga – Ukraine và chính sách tiền tệ bị thắt chặt mạnh tay.
WB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,4% trong năm sau, cao hơn so với ước tính 2,7% được đưa ra hổi tháng 1/2023.
Việc WB điều chỉnh dự báo cũng tương xứng với số liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ và châu Âu dường như đã tránh được suy thoái kinh tế, điều mà nhiều chuyên gia đã dự báo khi chuẩn bị bắt đầu năm 2023.
Dữ liệu kinh tế ở thời điểm đầu năm nay tích cực hơn so với kỳ vọng đã khiến cho lạm phát duy trì ở ngưỡng cao tại nhiều nền kinh tế phát triển. Kết quả, nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế tại Mỹ và nhiều nước giàu đã không ngừng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. WB khẳng định rằng tác động của lãi suất cao có thể thấy rõ nét tại các nền kinh tế đang phát triển.
“Khả năng có thêm rối loạn trong ngành ngân hàng và chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi”, WB nhấn mạnh. Việc lãi suất tại Mỹ không ngừng tăng từ đầu năm 2022 đến nay đã gây ra nhiều biến động trong hệ thống ngân hàng, nó dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank vào đầu năm nay.
Yếu tố gây tổn hại lên hoạt động kinh tế chính là chính sách tiền tệ thắt thặt. Nhiều ngành bao gồm đầu tư bất động sản nhà ở và doanh nghiệp chịu tác động nhiều từ sự biến động của lãi suất.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển bên ngoài Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chững lại còn 2,9% từ mức 4,1% của năm ngoái.
“Chịu ảnh hưởng bởi lạm phát cao, điều kiện toàn cầu thắt chặt và nợ nần kỷ lục, nhiều nước cứ ngày một nghèo đi”, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) – ông Indermit Gill nói.
Một số nền kinh tế nghèo nhất thế giới đặc biệt chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Chính phủ của một số nước đã bị buộc phải chi ra nhiều nguồn lực hơn để trả nợ, chính vì vậy tình hình tài chính của họ khá khó khăn, rủi ro gây xáo trộn tài chính không hề nhỏ.
Tỷ lệ nợ/GDP trong nhóm 20 nước nghèo nhất với thu nhập bình quân đầu người ước tính 1.085USD/người đã tăng lên mức 67% từ mức 36% của năm 2022. Những nước này phải chi tiêu ra khoảng 3% doanh thu để hỗ trợ cho những người dân nghèo nhất.