Dự báo

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

WB: GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2016

12:00 | 03/12/2015

Ảnh minh họa

Trong báo cáo “Điểm lại” mới cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn nhưng sự phục hồi của kinh tế Việt Nam là hết sức ấn tượng. Việt Nam vẫn chống chịu tốt giữa bối cảnh biến động bên ngoài.

Cụ thể, báo cáo của WB cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu, các thị trường mới nổi tiếp tục suy giảm và sự phục hồi kém của các nền kinh tế phát triển. Giá hàng hóa cơ bản tiếp tục ở mức thấp, thương mại toàn cầu trì trệ.

Trong đó, rủi ro lớn tập trung ở sự chuyển dịch của Trung Quốc sang hướng phát triển đầu tư ít hơn, chậm hơn, giá hàng hóa nguyên liệu thấp, các dòng vốn tiềm năng bị đảo ngược và các chi phí tài chính bên ngoài tăng.

Ở chiều ngược lại với xu hướng chung toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh, thúc đẩy bởi cầu trong nước và ngành chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng chậm do giá hàng hóa xuất khẩu cơ bản và hàng nông nghiệp đều giảm mạnh.

Tăng trưởng tín dụng tích cực nhờ sự hỗ trợ của lạm phát thấp và chính sách tiền tệ thuận lợi. Áp lực tỷ giá giảm do phá giá tiền Đồng và quản lý tỷ giá linh hoạt hơn.

Trong khi đó, thâm hụt tài khóa 5 năm (2011-2015) tăng 5,6% GDP so với mức 2,2% giai đoạn 2006-2010. Diễn biến tài khóa có tính chu kỳ nhưng bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao đã làm tăng quan ngại về sự bền vững trung hạn của tài khóa và nợ công.

Xuất khẩu của Việt Nam đã vượt các đối thủ trong khu vực nhưng nhập khẩu tăng làm cán cân thương mại suy yếu và thặng dư tài sản vãng lai giảm đáng kể.

Mặc dù có sự cải thiện nhưng vẫn còn những thách thức ở một số phương diện của môi trường kinh doanh. Vị trí xếp hạng của Việt Nam đã tăng từ thứ 93 trong Doing Business 2015 lên vị trí 90 trong Doing Business 2016. Tuy nhiên, xếp hạng về cạnh tranh vẫn còn thấp so với trung bình ASEAN-4.

Việt Nam chỉ đạt mức điểm 62,1 điểm; trong khi Thái Lan đạt 71,4 điểm; Malaysia đạt 79,1 điểm và mức trung bình của ASEAN-4 là 67,2 điểm.

Bên cạnh đó, quá trình cải cách kinh tế và tái cơ cấu DNNN vẫn diễn ra nhưng tốc độ chậm, chưa đủ để hoàn thành mục tiêu của Chính phủ trong năm 2015. Theo WB, sau các cải cách khuôn khổ pháp lý về quản lý DNNN và quản trị doanh nghiệp, điều quan trọng bây giờ là việc thực thi.

“Mặc dù đã có những nỗ lực của các cơ quan chức năng nhưng xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng vẫn là những thách thức quan trọng” – WB nhận định.

Trên cơ sở đó, WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam đạt 6,5%; lạm phát 1,5%; thặng dư tài khoản vãng lai chiếm 0,1% GDP; nợ công chiếm 61,3% GDP.

Đối với năm 2016, WB dự báo lạc quan hơn khi đưa ra mức tăng trưởng GDP là 6,6%; lạm phát khoảng 3%; thâm hụt tài khoản vãng lai 0,2% GDP; nợ công chiếm 63,2% GDP.

“Kinh tế Việt Nam trong thời gian tới có triển vọng khả quan nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ” – Báo cáo nhận định.

Do vậy, WB cũng đưa ra 6 thông điệp đối với kinh tế Việt Nam; đó là sự phục hồi được cải thiện, lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục các “khoảng đen” chính sách, củng cố tài khóa, cải cách cơ cấu kinh tế và đối phó với rủi ro của bất ổn toàn cầu.

Theo trithuctre.

undefined