chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
WB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6% trong năm 2015
12:00 | 14/04/2015
Mặc dù tăng trưởng được cải thiện, WB vẫn cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển
dưới mức tiềm năng do sự ì ạch trong những cải cách cơ cấu và sự bất trắc trên toàn cầu.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại phiên họp báo “Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương” diễn ra trực tuyến sáng 13/4, sau một số khó khăn hồi giữa năm 2014, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm đã vượt mức kỳ vọng.
Theo WB, cốt lõi của sự khởi sắc này là các chỉ số kinh tế vĩ mô căn bản đã được cải thiện, FDI trong lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu của khu vực FDI tăng vững chắc và môi trường kinh doanh đã có những cải cách quan trọng.
WB dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay, tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Con số 6% dự báo của WB vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng trưởng 6,2% do Chính phủ đặt ra trong năm nay. Trong 2 năm 2016 và 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng được WB điều chỉnh tăng lên mức 6,2% và 6,5%.
"Các dự báo trung hạn đều phản ánh sự cải thiện dần dần trong tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô trước áp lực ngày càng lớn của nợ công đang gia tăng", WB cho biết.
WB cũng cho rằng, lạm phát trong năm 2015 của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức vừa phải do giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu ở mức thấp và cầu tư nhân trong nước phục hồi. Xuất khẩu tăng mạnh và kiều hối ổn định là yếu tố giúp cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, mặc dù quy mô thặng dư sẽ giảm do kinh tế khởi sắc kéo theo nhập khẩu gia tăng.
"Thâm hụt tài khóa sẽ giảm xuống 4% GDP vào năm 2017, cho thấy sự cần thiết phải tiến hành củng cố tài khóa trong trung hạn và đồng thời phải có một kế hoạch đáng tin cậy nhằm củng cố tình hình tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước để đảm bảo tính bền vững của nợ công", WB khuyến nghị.
Mặc dù tăng trưởng được cải thiện, WB vẫn cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển dưới mức tiềm năng do sự ì ạch trong những cải cách cơ cấu và sự bất trắc trên toàn cầu. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những câu hỏi quan trọng như làm thế nào để kiềm chế mức nợ công đang tăng lên và làm thế nào để đảm bảo một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
Các rủi ro đối với triển vọng trung hạn vẫn chủ yếu mang tính tiêu cực. Sự suy yếu của giá cả mặt hàng gạo và các nông sản khác trên toàn cầu sẽ tác động tiêu cực tới thu nhập và tiêu dùng của các hộ gia đình nông thôn, làm nới rộng khoảng cách thành thị - nông thôn. Giá dầu giảm cũng có thể gia tăng áp lực đối với thu ngân sách. Trong khi đó, đầu tư tư nhân trong nước vẫn còn dè dặt bởi niềm tin doanh nghiệp còn thấp.
Ở phương diện đối ngoại, tăng trưởng toàn cầu vẫn ì ạch và còn nhiều bất trắc. Điều này tạo ra rủi ro đối với xuất khẩu và dòng FDI chảy vào Việt Nam.
WB cho rằng, yếu tố thuận lợi là các hiệp định thương mại đang đàm phán có thể đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra các thị trường bên ngoài rộng hơn và giàu có hơn. Những cải cách trong nước, bao gồm việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng, DNNN với quyết tâm cao hơn, rõ ràng hơn, sẽ phát những tín hiệu quan trọng tới nhà đầu tư trong nước và quốc tế và đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Theo Dân trí