Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn có quy mô mặt cắt ngang 33m, gồm 6 làn xe cơ giới và các làn hỗn hợp, tách nhập, lề đi bộ. Tại Hà Nội, công trình sẽ được xây dựng trên địa bàn các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm.

Ngày 14/4, UBND huyện Gia Lâm, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phương án, vị trí công trình cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu, tỷ lệ 1/500.
Tại hội nghị, đại diện UBND TP. Hà Nội đã công bố Quyết định số 1825/QĐ-UBND, ngày 29/3/2025 về việc phê duyệt phương án, vị trí công trình cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu, tỷ lệ 1/500.
Theo đó, cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu, tỷ lệ 1/500 sẽ được xây dựng trên địa bàn các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm. Công trình cầu Ngọc Hồi là công trình cấp đặc biệt. Đường đầu cầu là đường trục chính đô thị.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 5,2km. Về vị trí, điểm đầu kết nối với điểm cuối của dự án đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) thuộc địa phận huyện Thanh Trì; điểm cuối tại điểm giáp ranh địa giới hành chính thành phố Hà Nội với tỉnh Hưng Yên thuộc địa bàn xã Kim Đức, huyện Gia Lâm.
Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn có quy mô mặt cắt ngang 33m, gồm 6 làn xe cơ giới và các làn hỗn hợp, tách nhập, lề đi bộ…; Đường hai bên cầu có quy mô mặt cắt ngang 80m, gồm cầu dẫn ở giữa, đường gom đô thị song hành và vỉa hè hai bên tuyến đường; Đối với đoạn tuyến từ khu vực Lăng Chử Cù Vân đến hết địa phận thành phố Hà Nội có quy mô mặt cắt ngang 60,75m (gồm: cầu dẫn ở giữa, đường gom đô thị song hành và vỉa hè hai bên tuyến đường).
Được biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 7,5km, trong đó chiều dài tuyến phía Hà Nội khoảng 5,4km; phía Hưng Yên khoảng 2,1km.
Chiều dài cầu chính vượt sông Hồng và cầu dẫn dài 7,2km, chiều rộng 33m; đường đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300m, chiều rộng 60m.
Tổng mức đầu tư dự án sơ bộ ước khoảng 11.770 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội và ngân sách trung ương. Dự án được chia thành 6 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 – đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư lên tới 10.198 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 2 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về iệc giao cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu kết nối TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Cụ thể, Hà Nội kiến nghị Chính phủ giao thành phố là cơ quan chủ quản thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công ngày 29/11/2024.
Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ tối thiểu 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu chính và đường đầu cầu trong dự án tổng thể.
Hà Nội và Hưng Yên sẽ chịu trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đầu tư xây dựng đường song hành và phần còn lại của dự án thành phần trên.
Vạn Xuân
Theo NSKD