Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

8 giải pháp trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2023

12:00 | 10/07/2023

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm ước đạt 316,65 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu khoảng 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa.

Mặc dù xuất khẩu giảm sâu, song, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Công Thương diễn ra sáng 7/7, đại diện cơ quan chức năng, địa phương khẳng định, xuất khẩu đã có đà phục hồi, tăng trưởng trở lại. Ngành Công Thương đưa ra tới 8 giải pháp trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh ở cả 2 chiều xuất - nhập, trong đó có ít nhất 5 nguyên nhân được cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này chỉ ra: Thứ nhất, là do giảm tổng cầu và tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng xuất khẩu tương đồng (khiến những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản đều sụt giảm rất mạnh).

Thứ 2, do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm do cạnh tranh lớn ở các nước xuất khẩu. Thứ 3, một số ngành hàng chủ lực như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa bị gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước xuất khẩu. Thứ 4, các nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên đối tác nhập khẩu (các sản phẩm dệt may, da giày) ưu tiên đặt hàng từ các nước sản xuất đã đầu từ phát triển sản xuất xanh và bền vững. Thứ 5, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nhiều mặt hàng nông sản còn thiếu ổn định, chưa đồng đều, doanh nghiệp chậm đổi mới quản trị, ứng dụng KHCN và chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch…

Mặc dù vậy, các kết quả 6 tháng đầu năm cũng đã ghi nhận nhiều tích cực, khi tăng trưởng xuất khẩu tháng 5, tháng 6 đã có khởi sắc, tháng sau cao hơn tháng trước. Nhờ đó, xuất khẩu đã phục hồi được khoảng 88% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 12,25 tỷ USD, góp phần ổn định vĩ mô, bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ công tác điều hành tỷ giá.

Đóng góp vào kết quả đó, có vai trò quan trọng của nhiều mặt hàng nông sản, trong đó phải kể đến mặt hàng rau quả đã đạt được 2,75 tỷ USD; mặt hàng gạo xuất khẩu được 4,37 triệu tấn, đạt 2,3 tỷ USD (số lượng tăng vượt bậc trong vòng 10 năm trở lại đây), là cơ sở để ngành nông nghiệp đặt mục tiêu  xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Ông Lê Thanh Hoà - Phó Cục trưởng Cục chất lượng chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao công tác phối hợp giữa 2 bộ Nông nghiệp và Công Thương trong công tác XTTM, phát triển thị trường xuất khẩu thời gian qua.

“Chúng ta xác định, định hướng rõ các mặt hàng để chúng ta mở cửa thị trường rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò phối hợp của các đại diện tham tán thương mại của Bộ Công Thương tại các quốc gia mà đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề mở cửa thị trường. Tôi cũng mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ” - ông Lê Thanh Hoà nói.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo các hình thức truyền thống, trực tiếp gắn với trực tuyến, online, kết nối với các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục được thúc đẩy trong thời gian tới.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: “Trong thời gian qua, đặc biệt là 6 tháng vừa qua, chúng tôi đã đón hàng trăm đoàn doanh nghiệp của Trung Quốc cũng như của các doanh nghiệp từ khắp các nơi trên thế giới như Đức, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vào Việt Nam, tới từng địa phương để mua hàng, kết nối B2B giao thương. Tôi cho rằng hình thức này sẽ góp phần làm cho nhiều doanh nghiệp trên các địa phương hơn tiếp cận được với các nhà mua hàng quốc tế.

Trước đây, khi chúng ta đem những doanh nghiệp của Việt Nam đi ra nước ngoài để chào bán, chào hàng thì với kinh phí với nguồn lực có hạn cho nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp đi ra nước ngoài cũng không thể lớn được, không nhiều được. Mỗi đoàn của chúng ta quá lắm thì cũng chỉ mang được cỡ khoảng độ 20-30 doanh nghiệp. Tuy nhiên thì bằng hình thức là mời đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào thì chúng ta có thể tạo điều kiện cho hàng trăm, vài trăm doanh nghiệp trên địa bàn, thậm chí là địa bàn lân cận có thể tiếp cận được với những doanh nghiệp mua hàng của nước ngoài”.

Nhận định xuất khẩu đã có đà phục hồi, tăng trưởng trở lại song vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, Bộ Công Thương cho biết, sẽ đẩy mạnh 8 giải pháp để thúc xuất khẩu trong 6 tháng còn lại của năm.

Trong đó, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: “Chúng tôi sẽ tập trung vào việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu, kiến nghị những chính sách tài thêm về khóa tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn. Thứ hai, Bộ Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và chiến lược phát triển một số mặt hàng chủ lực của ta”.

Một số giải pháp cũng được Bộ Công Thương nhấn mạnh, như tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, trong đó có hoạt động công bố các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam; Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur…). Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.

undefined