chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Chạy “nước rút” giải ngân vốn đầu tư công
12:00 | 23/11/2023
Tính đến đầu tháng 11/2023, TP.HCM mới giải ngân được 38%. Do đó áp lực trong các tháng còn lại của năm là cực lớn để có thể đạt mục tiêu giải ngân 95%. Hiện Thành phố đang tập trung toàn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc để có thể tăng tốc trong thời gian còn lại của năm.
Phát huy "đầu kéo" trong giải ngân đầu tư công
Theo thống kê của UBND TP.HCM, đến giữa tháng 10/2023, TP.HCM mới có 8/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 5/22 địa phương thực hiện giải ngân trên 51% (bình quân cả nước). Còn lại 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn 51%. Đặc biệt có 18 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng nào với tổng số vốn cần giải ngân là 5.900 tỷ đồng.
TP.HCM dự báo sẽ có hơn 1.800 dự án sẽ hoàn thành mục tiêu 95% với tổng số vốn hơn 27.700 tỷ đồng; có 233 dự án dự kiến sẽ giải ngân dưới 95% với số vốn dự kiến không giải ngân được là hơn 19.500 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có một vấn đề nữa cũng gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân là việc dự báo phân bổ vốn không sát thực tế khiến dự án hoàn thành nhưng tỷ lệ giải ngân chưa đạt.
Để đạt chỉ tiêu giải ngân, vai trò "đầu kéo" của các chủ đầu tư lớn là rất quan trọng. Là đơn vị được giao hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương gần 44% tổng vốn đầu tư công toàn TP.HCM, hiện nay Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đang chạy đua với thời gian để hoàn thành mục tiêu giải ngân.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, đến ngày 21/11, Ban đã giải ngân được 14.200/30.000 tỷ đồng, tỷ lệ 47%. Thời gian còn lại của năm là không nhiều nên Ban đang tập trung quyết liệt các giải pháp, đặc biệt là đẩy nhanh khối lượng xây lắp; cùng với 6 địa phương triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời báo cáo tổ công tác, đặc biệt là phối hợp với các địa phương sở ngành để xử lý các vấn đề đề liên quan đến quy hoạch, cấp phép thi công…
“Chúng tôi tập trung vào 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đủ mặt bằng; thứ hai là đẩy nhanh tiến độ các gói thầu xây lắp còn lại, đặc biệt là dự án Vành đai 3; thứ ba là tiếp tục cùng với các địa phương tiếp tục hoàn thành 20 dự án giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng 40% phần vốn còn lại; thứ tư là phối hợp với các địa phương, sở ngành, rút ngắn thời gian xử lý tình huống phát sinh, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ giải ngân” - ông Lương Minh Phúc nói.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công, việc có một ban quản lý dự án đủ năng lực, kinh nghiệm là rất quan trọng. Các dự án lớn cần phải xây dựng bảng tiến độ rõ ràng để theo dõi và kiểm điểm trách nhiệm. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 98, Thành phố sẽ có hàng loạt dự án lớn được triển khai trong thời gian tới vấn đề này lại càng trở nên cấp thiết.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho rằng: “Đẩy nhanh việc tăng năng lực các Ban Quản lý dự án của chúng ta lên để đáp ứng. Vốn có, công việc đấy, nhưng người và năng lực phải sớm kiện toàn để đáp ứng tiến độ các dự án trọng điểm”.
Không làm tốt thì thay người
Tính đến ngày 10/11, TP.HCM đã giải ngân được hơn 25.800 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38% trong tổng số vốn giao. Để đạt mục tiêu 95%, Thành phố cũng đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân đầu tư công, quyết liệt giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công; hiện các chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh thực hiện, trong đó có 48 chủ đầu tư cam kết giải ngân tỷ lệ 95%.
Thành phố tập trung xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, chủ đầu tư dự án để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực chỉ đạo, điều hành đối với từng tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị…Với những nỗ lực, quyết tâm đó, TP kỳ vọng sẽ giải ngân ở mức cao nhất có thể.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu: “Chúng ta vẫn phải xác định là kiên trì thực hiện mục tiêu giải ngân 95%. Nhưng nếu như một số chủ đầu tư, dự án có lí do khách quan thì chúng ta cũng quyết tâm không để dưới 85%. Điều này không phải làm phong trào mà có tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, phân công, giao việc để làm”.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, qua thực tế kiểm tra, vẫn còn có tình trạng trên nóng dưới chưa nóng theo; lãnh đạo địa phương có nơi nắm, có nơi khi được hỏi thì bảo chờ để kiểm tra, báo cáo lại.
Thực tế đã chứng minh, nơi nào công tác lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo bài bản, có trọng tâm, phân công cụ thể, dự báo, giám sát, kiểm tra tiến độ thì kết quả tốt. Ngược lại, nơi nào không theo sát tình hình, không đeo bám, không quyết liệt thì chắc chắn công tác thông tin, chỉ đạo rất khó khăn và không hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư có cam kết rõ ràng trong thời gian còn lại của năm, cụ thể, rạch ròi những giả định, quy định về chế tài cụ thể. Nếu không làm việc phải làm mà không có lý do khách quan thì sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Cần quan tâm khâu giải phóng mặt bằng do “không có mặt bằng thì không làm được gì hết”.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy cam kết tham gia vào, tiếp tục đặt trách nhiệm cao nhất từ nay đến cuối năm về đầu tư công với tinh thần “Thường vụ không có quyền gì trong điều hành, chỉ có quyền thay đổi cán bộ. Ai không làm được thì thay đổi”.
“Chúng ta nhận thức đây là trách nhiệm của hệ thống chính trị toàn Thành phố. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm nỗ lực và thử thách chính mình. Phải cố gắng hoàn thành với điều kiện khả năng cao nhất có thể để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo đàng hoàng, kịp thời” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói.
Ngoài việc nỗ lực phấn đấu giải ngân đầu tư công ở mức cao nhất có thể, Thành phố cũng đang tính toán, dự báo cho kế hoạch năm tới sát với thực tế, tránh tình trạng “trừ hao quá lớn”, ảnh hưởng đến kết quả.
Theo VOV