chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Chưa đề xuất thêm phương án mới về rút bảo hiểm xã hội một lần
12:00 | 19/03/2024
Cơ quan soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục đưa vào dự thảo Luật hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần trong lần trình Quốc hội tới đây, hiện chưa có thêm phương án mới nào được đề xuất…
Nội dung này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu tại văn bản góp ý chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
TIẾP TỤC TRÌNH 2 PHƯƠNG ÁN
Theo dự thảo chỉnh lý mới đây, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục giữ hai phương án về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật hiện hành.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Về nội dung này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng cả 2 phương án Chính phủ trình đều nhằm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Đó là hạn chế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài an sinh xã hội bền vững cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau. Mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định.
Với phương án 1, kế thừa quy định hiện hành với những người lao động đang tham gia, không gây sự xáo trộn lớn trong xã hội, nhận được sự đồng thuận của người lao động, do không làm ảnh hưởng đến 18 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo phương án này, tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Mặc dù, cho phép những người đang tham gia hiện nay được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhưng theo số liệu thống kê thời gian qua cho thấy, gần 70% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 5 năm.
Như vậy, sau khoảng 3-5 năm thực hiện Luật mới, thì số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ giảm đi đáng kể so với thời gian qua.
Bên cạnh đó, phương án 1 cũng sẽ khắc phục được thực trạng người lao động hưởng nhiều lần bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, phương án 1 có thể có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Đây cũng là một trong những hạn chế khi thực hiện bất kỳ một cải cách hay thay đổi chính sách nói chung.
ƯU TIÊN PHƯƠNG ÁN GIẢM THIỂU PHẢN ỨNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Với phương án 2, cơ quan soạn thảo dự án Luật đánh giá, không có sự khác nhau giữa người tham gia trước và sau khi Luật mới có hiệu lực. Người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng vẫn bảo lưu được một phần thời gian đóng còn lại, để khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, việc quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng có thể gặp phải nhiều sự phản ứng hơn của người lao động.
Đồng thời, có thể gia tăng đột biến số người chấm dứt quan hệ lao động để đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi Luật mới có hiệu lực thi hành.
Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, do phương án này tác động đến tất cả người lao động, cả những người hiện nay đang tham gia, và những người sẽ tham gia sau thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.
Ngoài ra, phương án 2 cũng không giải quyết triệt để được việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không giải quyết được thực trạng người lao động hưởng nhiều lần bảo hiểm xã hội một lần.
Nếu thực hiện phương án 2 thì sau đó vẫn sẽ phải tiếp tục sửa đổi quy định này để tiến tới phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ chung và đúng bản chất, mục tiêu của chế độ hưu trí.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, nhằm đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, thì cần phải thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp.
Bên cạnh các chính sách nhằm gia tăng lợi ích, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được quy định tại dự thảo Luật này, còn thực hiện các chính sách quy định tại các pháp luật có liên quan khác.
Đơn cử như hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm; chính sách hỗ trợ duy trì việc làm tránh sa thải lao động; đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm...sớm giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, từ những phân tích, đánh giá nêu trên, cho thấy mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định, song phương án 1 tối ưu hơn.
Trong quá trình các cơ quan tham vấn, thảo luận cho ý kiến, phương án này cũng nhận được nhiều sự đồng thuận hơn từ phía đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
"Cả hai phương án đều phải chấp nhận lát cắt nhất định, song về mặt xã hội, cần phải ưu tiên phương án giảm thiểu sự phản ứng của người lao động", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay.
Cùng với đó, thời gian qua, nội dung này cũng đã được Ủy ban Xã hội cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nhiều lần trao đôi, thảo luận. Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến tập trung vào 2 phương án Chính phủ trình, chưa có thêm phương án được đề xuất.
Nhật Dương
Theo VnEconomy