chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Cơ quan thuế dự kiến ban hành ngưỡng nợ thuế đối với đối tượng chây ỳ khi xuất cảnh
12:00 | 10/10/2024
Tổng cục Thuế cho biết sẽ quy định ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế, thay vì tạm hoãn xuất cảnh bất kể nợ thuế nhỏ hay lớn như hiện nay...
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy từ cuối năm 2023 đến tháng 9/2024, cơ quan thuế thu hồi được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Số tiền này chưa tính đến khoản nợ thuế cơ quan thuế thu được do người nộp thuế chủ động nộp khi chưa bị tạm hoãn xuất cảnh.
Ngay từ cuối năm 2023, ngành thuế đẩy mạnh áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của người nộp thuế bỏ địa chỉ đã đăng ký trên cả nước là khá lớn, lên tới 15.602 tỷ đồng.
NHIỀU BĂN KHOĂN KHI TẠM HOÃN XUẤT CẢNH
Nhiều cá nhân khi biết thông tin về các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế của cơ quan thuế, nhất là các quy định về tạm hoãn xuất cảnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng tự giác đi nộp những khoản thuế nợ từ nhiều năm trước đó. Nhiều doanh nghiệp cũng tập trung thu xếp nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ thuế nhằm được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác quản lý nợ thuế, trong quá trình triển khai, cơ quan thuế nhận được nhiều phản ánh từ người nộp thuế về việc bất ngờ nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh..., cũng như những phản ứng đối phó của người nộp thuế khi thay đổi người đại diện pháp luật sau khi nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, có nhiều ý kiến khác nhau của doanh nghiệp và người nộp thuế. Thứ nhất, khi tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, cơ quan thuế nhận được ý kiến trái chiều cho rằng người đại diện pháp luật có khi chỉ là người lao động làm thuê cho doanh nghiệp, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
"Việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật hay người chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần... là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu", Tổng cục Thuế nhìn nhận.
Thứ hai, theo quy định hiện hành, chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.
Tổng cục Thuế sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Phản hồi thắc mắc này, Tổng cục Thuế cho biết tại Tiết a Khoản 2 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định “Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh...” là “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế”.
Do đó, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể.
Thứ ba, doanh nghiệp và người nộp thuế cho rằng các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp trong bối cảnh người nộp thuế gặp khó khăn tài chính nhất thời.
Đây chính là băn khoăn của không ít doanh nghiệp và người nộp thuế và mong muốn được Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết theo quy định, có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp nợ thuế như: nộp dần tiền thuế nợ, không tính tiền chậm nộp... Đặc biệt nếu người nộp thuế có khó khăn cũng có những chính sách như gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp.
Tổng cục Thuế cũng xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh (khoản 1 Điều 66, khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế và khoản 1 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) và các quy định pháp luật liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân khi ra sân bay tá hoả khi bất ngờ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Chia sẻ gần đây, bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ quản lý nợ (Tổng cục Thuế), cho biết cơ quan thuế thường xuyên thông báo nợ đến người nộp thuế. Những trường hợp người nộp thuế không nhận được thông báo thường do họ thay đổi địa chỉ kinh doanh không báo cáo cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế thường xuyên khuyến nghị doanh nghiệp phải cập nhật các thông tin liên quan đến địa chỉ nhận thông báo thuế, cũng như thông tin liên lạc để nhận thông báo đầy đủ từ cơ quan thuế.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng lưu ý cơ quan thuế cần có cần thời gian (trong vòng 24 giờ) để kiểm tra lại chứng từ nộp thuế và ban hành thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh và chuyển cho cơ quan xuất nhập cảnh. Do đó, đơn vị nợ thuế cần chủ động hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để không ảnh hưởng đến công việc và hoạt động kinh doanh của mình.
TẠO THUẬN LỢI CHO NGƯỜI NỢ THUẾ HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ
Thời gian qua, vấn đề áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định đối với người nợ thuế có khoản tiền thuế nợ quá hạn thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký đã được ngành thuế áp dụng đồng bộ cùng các giải pháp cảnh báo nợ thuế.
Về căn cứ pháp lý triển khai thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế cho biết cơ quan thuế đang triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo đúng quy định pháp luật tại 4 văn bản quy phạm pháp luật.
Đó là: Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 ngày 22/11/2019; Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 ngày 16/6/2014; Khoản 12 Điều 3; Điều 66; Khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019; Khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Theo đó, đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi “Thông báo tạm hoãn xuất cảnh” đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; đồng thời gửi người nộp thuế để người nộp thuế được biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Ngành thuế cũng triển khai nhiều kênh thông tin để thông báo, nhắc nhở, cảnh báo người nộp thuế về nghĩa vụ nộp thuế, trong đó có thông báo qua ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile và nhắn tin tới người nộp thuế.
Để thuận lợi cho việc triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tiền thuế nợ, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh ổn định cũng như các hoạt động đi lại giao thương được thuận lợi.
Trong thời gian tới, một mặt, cơ quan thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc công khai nợ thuế, nhắc nhở, cảnh báo doanh nghiệp và người nộp thuế đến hạn phải nộp. Mặt khác, ngành thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các kênh hỗ trợ giúp doanh nghiệp và người nộp thuế có đầy đủ thông tin về nghĩa vụ thuế phải nộp và tạo điều kiện nộp thuế điện tử dễ dàng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Ánh Tuyết
Theo VnEconomy