chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Đầu tư ga Sóng Thần gần 190 tỷ đồng để khai thác liên vận quốc tế
12:00 | 27/02/2024
Ga Sóng Thần (Bình Dương), khu ga xếp dỡ hàng hóa lớn nhất của ngành đường sắt Việt Nam, vừa được đề xuất đầu tư 188 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng nhằm khai thác tuyến liên vận quốc tế...
Ga Sóng Thần tọa lạc tại địa phận thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, tiếp giáp “ngã ba” với các địa phương Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM, là một trong những đầu mối giao thông lớn của khu vực phía Nam và là ga hàng hóa lớn nhất cả nước.
Quy mô quản lý khu ga có diện tích 20 ha cùng hệ thống kho bãi, các phương tiện vận chuyển, xếp dỡ. Nhà ga gồm 17 đường ray có sức chứa 350 toa, 5 kho chứa hàng. Năng lực xếp dỡ của ga đạt 2.000 tấn xếp dỡ/ngày đêm. Theo một số liệu thống kê, năm 2022 sản lượng khai thác qua ga Sóng Thần đạt khoảng 1,6 triệu tấn và gần như đạt ngưỡng công suất bảo hòa.
Về hiện trạng, khu ga Sóng Thần có hai bãi hàng, một bãi hàng rộng 87.000 m2 trong ga và một bãi hàng có diện tích 100.000 m2 ngoài ga (tổng diện tích quản lý của ga Sóng Thần khoảng 200.000 m2). Theo tính toán, để tổ chức hoạt động liên vận quốc tế, ga Sóng Thần cần có kho bãi ngoại quan diện tích khoảng 10.000 m2, trong khi diện tích hiện nay chỉ khoảng 8.500 m2. Vì vậy, trong một cuộc họp vào giữa tháng 8/2023, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị tỉnh Bình Dương sắp xếp, bố trí quỹ đất sạch liền kề để đầu tư mở rộng ga liên vận quốc tế.
Xuất phát điểm là ga vận chuyển hành khách, ga Sóng Thần đã từng bước được đầu tư, nâng cấp mở rộng trở thành ga vận chuyển cả hành khách và hàng hóa. Hiện nay, ngành đường sắt cả nước có tất cả 7 ga liên vận hàng hóa quốc tế, gồm các ga: Lào Cai, Kép/Yên Viên, Hải Phòng, Đồng Đăng, Giáp Bát, Đà Nẵng và Sóng Thần.
Ngày 21/02/2024 vừa qua, ngành đường sắt đã tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên năm Giáp Thìn, vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu từ ga Sóng Thần đến ga Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc).
Hiện nay, ga Sóng Thần đang xuống cấp ở nhiều hạng mục; trong đó mặt đường khu vực kho bãi do chưa kịp duy tu, sửa chữa trong khi vẫn khai thác liên tục nên bị lún nứt, loang lỗ “ổ gà”, hạ tầng mặt đường bị đứt quãng không liền mạch gây khó khăn cho tàu, xe ra vào vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động chung của ga.
Lãnh đạo ga Sóng Thần cho biết hiện đơn vị đang chuẩn bị thi công các hạng mục thuộc dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần theo kế hoạch ngành đường sắt và đề xuất 188 tỷ đồng cho đầu tư dự án. Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án nâng cấp, cải tạo, ga Sóng Thần sẽ đạt năng lực khai thác đến 3,5 triệu tấn/năm giai đoạn 2025 - 2030, trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.
Trước đó, cũng tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo tỉnh Bình Dương (tháng 8/2023), tỉnh Bình Dương đã đề xuất với Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cần di dời và sáp nhập ga Dĩ An là ga hành khách về khu ga An Bình vì ga Dĩ An nhỏ, lượng khách tập kết đi/đến ít và giao thông quanh khu vực ga có mật độ dày đặc, ảnh hưởng đến tình giao thông chung, cũng như không khai thác hiệu quả ga.
Ga Sóng Thần nằm trong kế hoạch cải tạo nâng cấp thuộc dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất – Bắc Nam đoạn Nha Trang – Sài Gòn nguồn vốn trung hạn 2021 - 2025, trong đó có ga Sóng Thần.
Xuân Nghi
Theo VnEconomy