Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Điện mặt trời mái nhà độc lập được phát triển không giới hạn công suất

12:00 | 16/04/2024

Bộ Công Thương vừa dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, DN, cá nhân.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng, nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Nghị định áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Các trường hợp phát triển điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Dự thảo Nghị định nêu rõ nguyên tắc phát triển điện mặt trời mái nhà phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện quy hoạch từng địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Đồng thời, Nghị định cũng chỉ ra các hành vi trái quy định khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà không đúng nguyên tắc, trình tự quy định tại Nghị định này. Tổ chức, DN, cá nhân đầu tư, lắp đặt, vận hành công suất vượt quá công suất đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Tổ chức, DN, cá nhân lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để kinh doanh hoặc bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác và các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện, được đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.

 

Tổ chức, cá nhân căn cứ quy mô, sản lượng điện tiêu thụ, nhu cầu sử dụng điện để thực hiện đăng ký công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bảo đảm công suất lắp đặt nhỏ hơn phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký. Nếu số công suất đặt từ 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực. Tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không gây quá tải lưới điện khu vực.

 

“Đối với loại hình điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, khi thực hiện cũng phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này, nhưng được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất”, Nghị định nêu rõ.

Để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Nghị định quy định loại hình này được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện. Đồng thời, ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Bộ, ngành có liên quan quản lý, theo dõi tổng quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà trên cả nước. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện và kiểm tra việc thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Các Bộ Xây dựng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp đánh giá an toàn công trình xây dựng, công tác PCCC, bảo vệ môi trường. Bố trí ngân sách, cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương.

undefined