Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Giải quyết những bất cập trong thực hiện dự án PPP

12:00 | 31/07/2023

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện có 3 vấn đề vướng mắc ở các dự án đầu tư công là chậm tiến độ, đội vốn và quan ngại về chất lượng công trình; đặc biệt là trong các dự án hợp tác đối tác công tư (PPP) về cơ sở hạ tầng.

Bình luận về điều này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, PPP là mô hình cả Nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi, cùng phát triển; giúp thúc đẩy, cải thiện mạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trong nước, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất đến người dân, tạo dựng mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ.

Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư rất mong đợi khi những điều khoản trong Luật PPP vốn được thiết kế để tạo ra bước đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng những năm tới. Hợp tác PPP sẽ kích thích tăng trưởng nhu cầu phát triển trong nước, giúp tiếp cận các công nghệ xây dựng và công nghệ quản lý mới trên thế giới.

Việc phát triển hạ tầng giao thông hiện đại thông qua hình thức PPP cũng sẽ thúc đẩy kinh tế liên vùng, phát triển ngành năng lượng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ môi trường bền vững. Đây được xem là hai trong các nhiệm vụ chiến lược của phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam.

"Hiện nay, nhu cầu đầu tư cho các các dự án phát triển hạ tầng ở Việt Nam là rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công là bất khả thi. Trong khi đó, nguồn lực từ xã hội còn nhiều dư địa. Do đó, PPP là một giải pháp hữu hiệu cho phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, giáo dục, y tế,… giúp nâng cao hiệu quả đầu tư nếu được quản trị một cách minh bạch", ông Vinh nêu rõ.

Báo cáo từ VCCI ghi nhận rằng, hạn chế trong thực hiện Luật PPP gồm: nhà đầu tư phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước; sự bất cập trong bình đẳng giữa các bên thực thi dự án; sự thiếu đồng bộ, đầy đủ trong quy định các hợp đồng dự án và những bất cập trong cơ chế giải quyết tranh chấp. Nhiều thủ tục trong quá trình triển khai các dự án PPP cũng chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau dẫn đến khó khăn thực hiện trong thực tế.

Không ít dự án PPP ở Việt Nam đang phát sinh một số hạn chế trong quá trình triển khai và các dự án đều tập trung trong lĩnh vực giao thông. Một số dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực giao thông, năng lượng phát sinh vướng mắc nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới.

Để đạt mục tiêu giải ngân cấp bách vốn đầu tư công nhằm phục hồi kinh tế, một số dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP đã được xem xét chuyển sang đầu tư công hoàn toàn, dẫn đến giảm số lượng dự án PPP được triển khai. Dù cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu quy định tại Luật PPP được đánh giá rất cao, nhưng việc áp dụng quy định này còn vướng về nguồn thực hiện để bù đắp. Một số địa phương không đồng ý bố trí cho việc chia sẻ sụt giảm doanh thu của dự án PPP, điều này gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư khi đàm phán với ngân hàng.

Ngoài ra, một trong những vướng mắc lớn khác là nguồn vốn vay hiện nay rất khó tiếp cận; bất cập trong quy định giải ngân nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân không “mặn mà” với các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Thực tế hiện có rất nhiều ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư phải có tài sản bảo đảm khi làm hồ sơ vay và chỉ có thể cho vay tối đa từ 50-60% tổng mức đầu tư. Những rào cản này gây khó cho các doanh nghiệp khi các dự án PPP đòi hỏi thời gian thực hiện dài, có dự án kéo dài khoảng 20-30 năm.

Trước thực tế này, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Monitor Consulting cho hay, cần có các giải pháp sáng tạo để tận dụng lợi thế của mỗi đối tác. Khu vực tư nhân mang lại nguồn vốn và sự sáng tạo đổi mới đáng kể cho phép thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và giảm chi phí cho Nhà nước. PPP được thiết kế và thực hiện tốt trong một môi trường pháp lý cân bằng sẽ có tiềm năng mang lại hiệu quả và tính bền vững cao hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, đồng thời cung cấp dịch vụ công chất lượng cao với giá thành hợp lý cho người dân. Do đó, sẽ tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi và thu hút nhiều nguồn lực hơn về vốn, sự sáng tạo và nhiều nguồn lực khác từ khu vực tư nhân; trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, đầu tiên có lẽ là cần sự thay đổi cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Cơ chế về tài chính, vốn góp của Nhà nước bao gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư khống chế ở mức tối đa là 50% tổng vốn đầu tư của dự án chưa hợp lý. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia triển khai PPP thành công cho thấy, thường phải có các bảo đảm hoặc cơ chế để bảo vệ bên cho vay dự án đối với các dự án PPP như: bảo đảm doanh thu hay nhu cầu sử dụng tối thiểu của dự án hoặc trong các trường hợp dự án bị chấm dứt trước thời hạn.

Một số nhà nhà đầu tư cũng đã đưa ra đề xuất khuyến khích phát hành trái phiếu cho dự án PPP. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi, những người nắm giữ trái phiếu đó có quyền chuyển đổi trái phiếu của họ thành vốn chủ sở hữu, thường là từ 3-5 năm sau khi phát hành trái phiếu.

Sau khi chuyển đổi trái phiếu thành vốn cổ phần, tổ chức phát hành trái phiếu sẽ không còn nghĩa vụ nợ mà được phép sử dụng số tiền thu được để phát triển kinh doanh và các dự án. Hay, thành lập Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia, chuyên cung cấp các khoản cho vay ưu đãi, hoặc đầu tư trái phiếu hạ tầng, trái phiếu dự án của doanh nghiệp, PGS.TS Trần Chủng cho biết.

Các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư quốc gia, thường chấp nhận rủi ro ít nhưng sẵn sàng đầu tư dài hạn, được xem là nguồn vốn quan trọng cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia. Đây chính nguồn vốn chưa được khai thác tại Việt Nam và có tiềm năng lớn nếu các chính sách và ưu đãi phù hợp được tạo ra.


Ngọc Quỳnh

Theo Bizlive

undefined