chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
12:00 | 21/06/2023
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 21/6/2023, Quốc hội sẽ dành trọn 1 ngày để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng sẽ giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu...
Trước đó, ngày 9/6, Quốc hội đã cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (tháng 4/2023) và ý kiến nhân dân.
Về kết quả lấy ý kiến nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được Nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, vấn đề giá đất, tài chính đất có nhiều điểm đổi mới, thu hút sự quan tâm của cử tri, người dân, doanh nghiệp.
NHIỀU ĐIỂM MỚI QUAN TRỌNG VỀ GIÁ ĐẤT
Thông tin tới báo chí chiều ngày 20/6 về những điểm mới giá đất trong dự thảo Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” với yêu cầu: Bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên...
Cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW nội dung có liên quan đến giá đất được quy định lồng ghép trong nhiều nội dung của dự thảo Luật như: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, phát triển quỹ đất… và được quy định rõ ràng nhất tại Chương XI về tài chính về đất đai, giá đất gồm 2 mục, 10 điều luật.
Cơ quan soạn thảo đã dự kiến quy định cụ thể 3 phương pháp định giá đất trong Luật bao gồm: so sánh trực tiếp; thu nhập; hệ số điều chỉnh giá đất. Luật hóa các quy định cụ thể về cách thức, nội dung, trình tự thực hiện định giá đất đối với 3 phương pháp định giá đất đã đề xuất và điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất với từng trường hợp để đảm bảo tính minh bạch, tính chính xác.
Theo đó, quy định cụ thể về các khoản thu ngân sách từ đất đai; các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai; căn cứ, thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; bảng giá đất; giá đất cụ thể; hội đồng thẩm định bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất cụ thể ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tư vấn định giá đất.
Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung tài chính đất đai, giá đất nhận được hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý, là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các giai tầng xã hội. Nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của Nhân dân, bộ ngành, địa phương đối với nội dung này, dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về giá đất về cơ bản thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và đảm bảo tính kế thừa của hệ thống pháp luật.
Cung cấp thông tin vấn đề này, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho hay, dự thảo luật đã quy định khái quát 4 phương pháp định giá đất gồm: (Phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất).
Tuy nhiên nội dung này đã nhận được một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội thông qua phiên thảo luận tại Tổ ngày 9/6/2023 đề nghị luật hoá tối đa các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tiếp thu các ý kiến này, cơ quan soạn thảo đã dự kiến quy định cụ thể 03 phương pháp định giá đất trong Luật bao gồm: so sánh trực tiếp; thu nhập; hệ số điều chỉnh giá đất.
uật hóa các quy định cụ thể về cách thức, nội dung, trình tự thực hiện định giá đất đối với 03 phương pháp định giá đất đã đề xuất và điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo tính minh bạch, tính chính xác, thống nhất trong việc xác định giá đất, rút ngắn thời gian xác định giá đất cụ thể tại địa phương, đảm bảo tiến độ định giá giảm thời gian chờ đợi của nhà đầu tư, đơn giản hóa thủ tục khơi thông nguồn lực đất đai.
SỬ DỤNG BẢNG GIÁ ĐẤT HIỆN HÀNH ĐẾN HẾT NĂM 2025
Cùng với đó quy định chi tiết nguyên tắc định giá đất phải theo phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm trung thực khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất…
Dự thảo cũng làm rõ thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.
Dự thảo cũng bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ, đồng thời quy định bảng giá đất được xây dựng lần đầu được công bố và thực hiện từ ngày 01/01/2026, hằng năm được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung định kỳ và điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp cần thiết và xác định phạm vị được áp dụng bảng giá đất rộng hơn để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí…
Quy định chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.
Quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. Đồng thời, quy định rõ UBND cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Bổ sung trình tự xây dựng bảng giá đất, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, UBND trong xây dựng bảng giá đất; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.
Quy định giá đất để tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được ổn định cho chu kỳ 5 năm; tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất năm đầu tiên của chu kỳ tiếp theo, trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó. Quy định này để doanh nghiệp chủ động hạch toán tiền thuê đất trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định môi trường đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, những đổi mới trong các quy định về giá đất sẽ là nền tảng khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, tạo đồng lực, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến chế độ sử dụng đất theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ sử dụng đối với một số loại đất nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho việc phát huy nguồn lực đất đai; bổ sung chế độ sử dụng đối với một số loại đất để bảo đảm hành lang pháp lý cho việc sử dụng các loại đất này…
Phan Anh
Theo VnEconomy