chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thực hiện quy trình nhân sự Chủ tịch nước
12:00 | 21/10/2024
Sáng nay (21/10), Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Trước giờ khai mạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cùng các đại biểu Quốc hội sẽ đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phiên họp trù bị sẽ được diễn ra vào 8 giờ cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Về công tác nhân sự , tại họp báo trước đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chương trình chính thức, trong đó có công tác nhân sự.
Theo chương trình dự kiến, tại ngày họp đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết, dự kiến, tổng thời gian làm việc của Kỳ họp thứ 8 là 29,5 ngày, tiến hành theo 2 đợt. Trong đó, đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11.
Tại kỳ họp, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật. Trong đó có Luật Phòng cháy , chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế…
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và xin ý kiến đại biểu Quốc hội giảm thời gian đọc tài liệu tại hội trường; dành thêm thời gian để Quốc hội thảo luận, đặc biệt sẽ tăng thời gian thảo luận ở tổ.
Sau khi thảo luận tổ, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội , Ban Thư ký sẽ tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu và gửi cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì xây dựng đề án để giải trình, tiếp thu.
Theo Tiền Phong