Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Lo đất nông nghiệp bị gom để trục lợi

12:00 | 31/08/2023

Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng được UBND cấp tỉnh chấp thuận

Sáng 30-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khóa XV đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tích tụ đất nông nghiệp để chờ quy hoạch

Thảo luận, một số ĐB cho rằng việc cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp (ĐNN) với người không canh tác sản xuất dễ dẫn đến thu gom đất để trục lợi.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lo ngại khi dự thảo cho phép mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng ĐNN mà không trực tiếp canh tác, sản xuất. Dẫn thực trạng ở ĐBSCL, ông Hòa cho biết có người không canh tác, không sản xuất nhưng vẫn tích tụ ĐNN để "chờ quy hoạch". Những người này cho thuê, chuyển nhượng ĐNN gây khó khăn cơ quan quản lý; tổ chức, đơn vị muốn vào khai thác đất để sản xuất quy mô lớn cũng gặp rất nhiều vướng mắc. ĐB Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định theo hướng nếu nhà đầu tư muốn nhận chuyển nhượng, tích tụ ĐNN cần cam kết thực hiện các mục đích kinh tế nông nghiệp.

ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề nghị dự thảo quy định rõ hơn, theo hướng tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng ĐNN phải có phương án sử dụng được UBND cấp tỉnh chấp thuận. Phương án sử dụng phải thể hiện địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn và tiến độ sử dụng đất. ĐB Huy đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra đánh giá kỹ, tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa để đầu cơ; kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng ĐNN sau khi nhận chuyển nhượng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh, dự kiến dự thảo bổ sung quy định tổ chức muốn tích tụ ĐNN phải thành lập doanh nghiệp (DN) và phải có phương án sản xuất, kinh doanh, báo cáo UBND cấp tỉnh. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, ông Thanh cho biết sẽ rà soát, có thêm quy định yêu cầu phải có dự án đầu tư; bổ sung chế tài để ngăn chặn tình trạng tích tụ ĐNN để chuyển mục đích sử dụng đất, trục lợi.

Cần có chính sách thu phí cơ sở hạ tầng

Về các vấn đề liên quan đến dự án nhà ở thương mại (NƠTM), theo ông Thanh, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là chưa có phương án tốt nhất khi quy định về các trường hợp được thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc đang có QSDĐ thực hiện dự án NƠTM.

ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai), Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, cho rằng mục đích của quy định này thực chất là cho phép DN thỏa thuận xây dựng NƠTM trên đất không phải đất ở. Theo ông Long, tại kỳ họp QH bất thường lần thứ nhất (tháng 1-2022), Chính phủ đề nghị sửa Luật Nhà ở theo hướng cho phép DN thỏa thuận xây dựng NƠTM trên đất không phải đất ở. Ông Long phân tích: "Khi giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ QH trong báo cáo số 104 ngày 1-1-2022 nêu rõ quan điểm không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để xây dựng NƠTM, tránh xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước". Tuy nhiên, ông Long cũng bày tỏ băn khoăn tại sao phải "xới xáo lại vấn đề này". Theo ĐB tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng QSDĐ giữa người dân và DN trong dự án đô thị NƠTM; tuy nhiên, nên cân nhắc vận dụng Nghị quyết 18 theo hướng cho DN thỏa thuận QSDĐ khác để kinh doanh dự án NƠTM. "Không thể vận dụng theo kiểu thế này. Quy định thế này thì DN, nhà đầu tư bất động sản có quyền mua ĐNN, đất rừng chuyển sang mục đích xây dự án NƠTM. Tại điều 127, DN chỉ được thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ để xây dựng NƠTM theo đúng mục đích và quy hoạch" - ĐB Long nhấn mạnh..

ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề nghị cần có chính sách thu phí cơ sở hạ tầng. Đây là một loại phí thu đối với chủ sử dụng đất (CSDĐ) do đất đã tăng giá trị nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng do nhà nước thực hiện và CSDĐ được hưởng lợi trực tiếp. Ông Hoàn nêu thực tế nhiều dự án nhà ở được hưởng lợi từ việc đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng, người mua nhà thường gián tiếp phải trả giá nhà tăng theo những tiện ích công cộng đó. Tuy nhiên, người được hưởng lợi lại không phải là nhà nước mà là các chủ đầu tư dự án.

ĐB Hoàn đề nghị cần có quy định rõ để xác định khu vực mà CSDĐ được hưởng lợi từ các công trình công cộng và phải trả phí. Thực tế là các khu vực liên quan tương đối dễ xác định như những khu đất trong ngõ trở thành nhà mặt đường lớn sau khi nhà nước đầu tư mở đường giao thông. "Số tiền thu được có thể dùng để tăng chi hỗ trợ những người có đất bị thu hồi và để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới" - ĐB Hoàn đề nghị.

Quy định rõ để tránh lợi dụng chính sách

ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đề nghị rà soát tính phù hợp các nội dung về tập trung tích tụ ĐNN như quy định tại điều 192, vì có thể hiểu nhầm hoặc lợi dụng chủ trương tập trung tích tụ đất sản xuất cho nông nghiệp quy mô lớn nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp sang kinh doanh QSDĐ hoặc trá hình sang buôn bán bất động sản nông nghiệp. Tương tự, tại điều 193 về tích tụ ĐNN, cần có quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc, điều kiện ràng buộc nhằm tránh việc lợi dụng chủ trương, chính sách để tích tụ ĐNN cho mục đích khác.

Văn Duẩn

Theo Người lao động

undefined