chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Năng lượng và mỏ là trụ cột hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào
12:00 | 22/10/2024
Chiều 21/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Phosay Sayasone, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 19-21/10.
Trước hết, chúc mừng Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 44, 45 và AIPA 45, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Lào là thành viên có trách nhiệm, có vai trò và tiếng nói ngày càng được coi trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Thời gian qua, quan hệ hợp tác hai nước tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, thiết thực. Quan hệ chính trị tin cậy, nổi bật là cuộc gặp thường niên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước (tháng 9/2024) và các chuyến thăm lẫn nhau. Hợp tác quốc phòng - an ninh được tăng cường. Kết nối kinh tế - thương mại được thúc đẩy, trong đó kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 1,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, ước tính sẽ đạt mục tiêu tăng 10-15% như Kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ đề ra. Đồng thời, hợp tác trong các lĩnh vực khác cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
"Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên cao nhất cho quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, đánh giá cao hợp tác năng lượng và mỏ giữa Việt Nam - Lào thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, các hoạt động hợp tác sôi nổi, liên tục phát triển, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng đây là một trong những trụ cột hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.
Để triển khai Thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào tháng 9/2024 và chuẩn bị tổng kết, đánh giá và đề ra phương hướng hợp tác trong năm 2025 tại Kỳ họp 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào do hai Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì vào đầu năm 2025, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đã được giao trong hợp tác mua bán điện, mua bán than và tăng cường đầu tư giữa hai nước.
Cụ thể, đối với hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện, hai bên cần tập trung triển khai Biên bản ghi nhớ về mua bán điện giữa hai nước (ký năm 2006). Trường hợp đến năm 2030, công suất nhập khẩu điện của Việt Nam từ Lào có khả năng vượt 5.000 MW, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam cùng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào báo cáo kịp thời để hai Chính phủ xem xét khả năng điều chỉnh nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, kết nối hệ thống điện và mua bán điện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào cần chỉ đạo rà soát tổng thể các dự án điện tại Lào mong muốn bán điện về Việt Nam giai đoạn từ sau 2025 đến hết năm 2030, gửi Bộ Công Thương tổng hợp, nghiên cứu và báo cáo lên Chính phủ. Trong quá trình triển khai, trường hợp phát sinh vướng mắc, Phó Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu và báo cáo lên Chính phủ xem xét những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền.
Về giá mua điện nhập khẩu từ Lào sau thời điểm năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định khung giá mua điện nhập khẩu từ Lào cho giai đoạn 2026 – 2030 theo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và theo cơ chế thị trường, giá thị trường. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành khung giá điện nhập khẩu từ Lào cho giai đoạn sau năm 2025 đến hết năm 2030 (ngày 8/10/2024).
Tuy nhiên, trên tinh thần trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Lào nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 44, 45 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương trao đổi với phía Lào để tính toán lại mức giá mua điện phù hợp.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh việc Bộ Công Thương Việt Nam đã khẩn trương thành lập Tổ công tác mua bán điện giữa Việt Nam và Lào với Tổ trưởng là lãnh đạo Bộ. Điều này thể hiện cam kết rất cao từ phía Việt Nam trong việc triển khai thúc đẩy hợp tác mua bán điện giữa hai nước.
Đối với hợp tác lĩnh vực than, nguồn than đá từ Lào trong thời gian tới sẽ là một trong những nguồn cung đầu vào quan trọng cho sản xuất điện của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết đồng ý chủ trương về việc nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam; thực hiện theo cơ chế thị trường, giá thị trường và theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào thúc đẩy nghiên cứu việc xây dựng, đàm phán, phấn đấu ký kết 01 Hiệp định về hợp tác thương mại than nhân dịp Kỳ họp 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc hợp tác, liên danh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Lào trong triển khai xây dựng tuyến băng tải giữa hai nước.
"Tôi tin tưởng thời gian tới, sẽ có nhiều liên danh hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước để triển khai những dự án hợp tác trọng điểm, đóng góp vào sự phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và Lào nói riêng, cũng như tăng trưởng kinh tế hai nước nói chung", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Về phía Lào, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Phosay Sayasone cảm ơn Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và coi trọng mối quan hệ hợp tác với Lào, đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và mỏ tại Lào.
Đáng chú ý, hai bên đã cam kết công suất mua bán điện đến 2025 là 3.000 MW, 2030 là 5.000 MW. Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án cụm dự án nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất 2.939 MW; tổng công suất đã ký hợp đồng mua bán điện đã là 2.239 MW, chiếm 74,3% công suất cam kết đến 2025.
Đề xuất hai bên cần tiếp tục trao đổi sâu sắc ở các cấp để năng lượng và mỏ trở thành thế mạnh trong trong hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Phosay Sayasone tin tưởng các hoạt động trong lĩnh vực này sẽ ngày càng đạt được hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới./.
Minh Ngọc
Theo VGP