chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Như hiện nay, trăm năm nữa cũng chưa làm xong 5-7 tuyến đường sắt đô thị
12:00 | 10/01/2024
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phát triển hạ tầng phải là ưu tiên số một trong quy hoạch Thủ đô. Hà Nội cần cơ chế, sẵn sàng vay 30-40 tỷ USD để làm chương trình riêng, không được 10 tuyến thì cũng phải có 5-7 tuyến đường sắt đô thị. Như hiện nay, cả trăm năm nữa chúng ta cũng chưa làm xong.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Bộ Kế Hoạch Đầu Tư (KH&ĐT) và UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đối với quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm Thủ đô các nước tiên tiến châu Á.
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân từ 45.000-46.000 USD/người, tỷ lệ đô thị hóa từ 80-85%. Để đạt được mục tiêu đó, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đưa ra 3 kịch bản kinh tế. Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện cho liên danh tư vấn - phân tích, Thủ đô là đô thị đặc biệt, do vậy, toàn bộ lãnh thổ phải được quản lý, phát triển theo quy chuẩn đô thị đặc biệt, quy chuẩn phát triển đô thị và nông thôn riêng của Thủ đô; không áp dụng các chuẩn nông thôn mới quốc gia cũng như tiêu chí phân loại đô thị, thị trấn, thị xã. Một vùng phát triển đặc thù, cần có những cơ chế và quyền tự quyết khác biệt so với các vùng khác.
Góp ý tại buổi tham vấn, ông Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT - cho rằng, Hà Nội cần đặt ra những mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước chứ không chỉ vượt lên so với chính Hà Nội”, Băn khoăn về cơ cấu kinh tế, chuyên gia này đặt câu hỏi: “Tăng trưởng của Hà Nội đang giảm dần, cho thấy cơ cấu kinh tế chưa hợp lý”. Theo ông, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP quá thấp, không giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Về giải tỏa điểm nghẽn hạ tầng, TS Cao Viết Sinh đề nghị chú trọng đến đặc thù của Hà Nội, đầu tư phát triển giao thông ngầm.
Ông Christopher Lewis Malone - Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á - khuyến nghị, Hà Nội cần tập trung vào một số ngành trọng điểm, cân nhắc lợi thế với thành phố khác, đặc biệt là TPHCM. Tài chính, công nghiệp, công nghệ sẽ mũi nhọn giúp kinh tế Hà Nội phát triển hơn nữa. Về quy hoạch không gian, thử thách cho Hà Nội là hiện đại hoá thành phố, vẫn giữ văn hoá, lịch sử sẵn có.
"Hà Nội có thể tham khảo Singapore, Seoul, Tokyo, những thành phố này làm tốt nhiệm vụ hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá, phục vụ cho phát triển du lịch", ông Malone đề xuất.
TS. Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình định cư, con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN - Habitat) - cho rằng, quy hoạch hiện tại chưa rõ được vai trò kết nối vùng của Hà Nội với Đồng bằng sông Hồng, tam giác vàng "Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh". Ông Quang lưu ý thêm, nền kinh tế phi chính thức đóng góp khoảng 30% cho nền kinh tế, nhưng quy hoạch chưa được làm rõ, cần chính thức hoá để tổ chức tốt hơn, quản lý, thu thuế.
Sau khi nghe góp ý từ các chuyên gia, Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị liên danh tư vấn, các chuyên gia đánh giá cụ thể nguyên nhân của tồn tại hạn chế, xác định các điểm ngành cản trở Hà Nội phát triển chưa xứng với tiền tiềm năng. Giải pháp đưa ra cần có tư duy, tầm nhìn chiến lược để tạo ra các giá trị mới. Phát triển Thủ đô phải bám sát các nghị quyết trung ương, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, địa phương…
“Hà Nội phải giữ được vai trò liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô. Hà Nội tác động thế nào đến sự phát triển của vùng, và vùng tác động ra sao tới sự phát triển của Hà Nội trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng trăn trở về cơ chế chính sách thu hút nhân tài, tinh hoa, các chuyên gia, nhà khoa học để phát triển thủ đô. Theo ông Dũng, quy hoạch Thủ đô cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, kết cấu đồng bộ, hiện đất, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, khai thác mạnh không gian ngầm, đường sắt đô thị, các hình thức giao thông công cộng khác.
“Phát triển hạ tầng phải là ưu tiên số một, dẫn dắt các đột phá khác. Nếu làm được việc này, chúng ta cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề, giảm tắc nghẽn giao thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, giảm thiểu ô nhiễm, trở thành thành phố đáng sống. Chúng ta cần có cơ chế mạnh về vấn đề này.
Tôi đã trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cách đây nửa năm, Hà Nội, TPHCM có thể sẵn sàng vay 30 - 40 tỷ USD làm chương trình riêng, không được 10 tuyến thì cũng phải có 5-7 tuyến đường sắt đô thị. Như hiện nay, cả trăm năm nữa chúng ta cũng chưa làm xong, như vậy giải quyết thế nào vấn đề tăng trưởng”, ông Dũng lo ngại.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị liên danh tư vấn, UBND TP Hà Nội nghiên cứu, xem xét kỹ việc phát triển hạ tầng. Hạ tầng hiện đại, đồng bộ sẽ tạo động lực mới cho Hà Nội phát triển vũ bão, thậm chí tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài, chứ không chỉ như mục tiêu 8,5-9% hiện nay.
Theo Tiền Phong