PV: Những hoạt động điểm nhấn, đáng chú ý của Thủ tướng và Đoàn công tác trong chuyến chuyến thăm là gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp: Chuyến thăm Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt trọng tâm vào việc tăng cường hợp tác toàn diện và sâu rộng với Qatar trên các lĩnh vực, thông qua việc đánh giá đúng tiềm năng và vị thế của Qatar hiện nay, tranh thủ một cách hiệu quả vai trò của Hoàng gia Qatar và tận dụng các cơ hội hợp tác đang nổi lên giữa hai nước.
Chuyến thăm được kỳ vọng góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước; tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam - Qatar; đặc biệt trong thu hút đầu tư từ Qatar vào Việt Nam và tạo đột phá cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường Qatar và khu vực.
Lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ trao đổi các biện pháp về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, năng lượng, hàng không, nông nghiệp, công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực...; đồng thời, trao đổi các biện pháp và hình thức để đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, thể thao...
Với ý nghĩa đó, trong chuyến thăm này, ngoài hội đàm với Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có các cuộc gặp, làm việc với các Lãnh đạo cấp cao Qatar, cùng Lãnh đạo một số bộ, ngành phụ trách kinh tế và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Qatar.
PV: Xin Đại sứ cho biết về triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam - Qatar trong thời gian tới?
Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp: Qatar là một quốc gia nhỏ, khiêm tốn về diện tích và dân số, 3/4 dân số là lao động nhập cư. Tuy nhỏ, song Qatar có một số ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khí tự nhiên và vị trí địa lý có thể kết nối các khu vực và châu lục khác. Qatar là thị trường tiêu thụ hàng hóa quy mô nhỏ, song nhờ hệ thống cảng biển và cảng hàng không phát triển mạnh, có thể đóng vai trò kết nối, trung chuyển để đưa hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam vào thị trường khu vực.
Qatar hiện đang đẩy mạnh thực hiện dự án mở rộng mỏ khí phía Bắc để tăng công suất sản xuất LNG từ 77 triệu tấn/năm lên 140 triệu tấn LNG/năm đến 2030. Trước, trong và sau giai đoạn mở rộng mỏ khí này, Việt Nam có thể nghiên cứu tiềm năng hợp tác với Qatar, trong việc bổ sung và cung cấp cho Bạn các sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực phù hợp (dịch vụ xây lắp, thiết kế, bảo dưỡng các công trình dầu khí; nhân lực dầu khí...); đồng thời tính toán nhu cầu lâu dài về mua bán LNG, LPG và các sản phẩm liên quan.
Hiện nay, Qatar đang triển khai Chiến lược Phát triển quốc gia giai đoạn 3 là giai đoạn cuối của Tầm nhìn Quốc gia Qatar 2030, gồm các trọng tâm là tăng trưởng kinh tế bền vững, tài chính bền vững, nguồn nhân lực tương lai, xã hội hài hòa, chất lượng cuộc sống, môi trường bền vững và chính phủ hiệu quả. Chiến lược này phản ánh các lĩnh vực Qatar ưu tiên tập trung trong thời gian tới, đồng thời cũng mở ra các cơ hội hợp tác giữa Qatar với các nước, như về năng lượng, công nghệ, sản xuất, du lịch, lao động chất lượng cao…
Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng thúc đẩy hợp tác với Qatar, trong đó, ta có thể hỗ trợ, bổ sung cho Qatar với những lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, thực phẩm; máy móc, thiết bị và linh kiện điện tử; cung cấp sang Qatar lao động có tay nghề, đặc biệt là lao động kỹ thuật, y tá, nhân lực dịch vụ (khách sạn, hàng không...); trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với Qatar trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng...; thúc đẩy các hình thức hợp tác liên doanh, hợp tác đầu tư chung trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, phù hợp với Chiến lược Phát triển quốc gia của Bạn và mang lại lợi ích cho cả hai nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ đã tham gia trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam!