Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa: Cần sự tham gia của cơ quan nhà nước

12:00 | 16/12/2023

Theo CoinmarketCap, hiện có tới 226 sàn giao dịch tập trung và gần 500 sàn giao dịch phi tập trung (DEX) đang hoạt động trên phạm vi toàn cầu, tổng khối lượng giao dịch hàng ngày đạt gần 58 tỷ USD, đỉnh điểm lên đến 160 tỷ USD hồi tháng 11/2021.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ tính riêng tháng 5/2023, khối lượng giao dịch của người dùng trên Binance - sàn giao dịch tập trung lớn nhất thế giới đã đạt hơn 20 tỷ USD, theo Wall Street Journal, chưa kể các sàn giao dịch khác như HTX (Huobi đổi tên), MEXC, ByBit, KuCoin, BingX, Gate.io...

Số liệu nổi bật từ các sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung tại Việt Nam (Nguồn: Hiệp hội Blockchain Việt Nam)

Đặc điểm chung của các sàn giao dịch tiền mã hóa, hay còn được gọi chung là đối tượng “nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo” (VASP) này là thiếu minh bạch và thường xuyên có nguy cơ bị hacker tấn công dẫn đến phá sản. Đối với người giao dịch trên các sàn, họ có thể bị sàn đóng băng tài sản bất kỳ lúc nào hay bị đánh cắp dữ liệu cá nhân, vì các sàn quản lý theo hình thức tập trung tất cả các dịch vụ, thông tin, tài sản của khách hàng nhưng lại không chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyefn nào. Do đó, nếu xảy ra tranh chấp, người sử dụng các sàn giao dịch này sẽ rơi vào tình trạng hoàn toàn không được bảo vệ.

Ông Trần Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam dẫn chứng về nguy cơ người dùng bị mất tiền trên các sàn giao dịch tập trung thông qua vụ việc nổi tiếng hồi tháng 2/2014, khi MT. Gox - sàn giao dịch tập trung lớn nhất thế giới thời điểm đó bị tin tặc tấn công, dẫn đến thiệt hại khoảng 650.000 Bitcoin (BTC). Do không có quy định cụ thể, người dùng trên sàn MT.Gox hiện chưa thể thu hồi được tài sản sau 9 năm đi tìm công lý. Hay như sự kiện sàn giao dịch lớn thứ 2 thế giới là FTX tuyên bố phá sản vào tháng 11/2022, gây thiệt hại ít nhất 8 tỷ USD và phần lớn người dùng (trong đó có người dùng Việt Nam) trên sàn FTX, cũng xác định sẽ mất toàn bộ tài sản họ lưu giữ trên sàn này, cũng bởi lý do thiếu các quy định bảo vệ phù hợp.

Trước tình hình này, gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã công bố khuyến nghị đối với nhà đầu tư khi tham gia giao dịch tiền mã hóa trên các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép như Gate.io, GoldFinger Finance, Viet Diamond Stocks, bawallet9.com, Londonex.com, ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, JASS.com, DEXDN.com, LPL.com, TradeTime.com,…

Mới vừa qua, ngày 30/11, tại trường Đại học Kinh tế - Luật Tp Hồ Chí Minh, Quỹ đầu tư mạo hiểm với tên gọi HC Capital đã tổ chức chương trình được giới thiệu là nhằm mục tiêu chia sẻ kiến thức và tiềm năng thị trường nhân lực trong ngành blockchain cho toàn thể sinh viên trường với các hoạt động như tọa đàm, quầy triển lãm, trò chơi tương tác và thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia. Tuy nhiên, theo tài liệu gửi cho các đơn vị tài trợ, có thể thấy, mục tiêu chính của việc tổ chức các hoạt động này là bán dữ liệu người dùng, tiếp cận hồ sơ nhân sự và tạo điều kiện cho các sàn giao dịch đặt bàn tuyển dụng trực tiếp trong khuôn viên trường. Cụ thể, các nhà tài trợ kim cương sẽ được truy cập toàn bộ thông tin người tham gia đã cung cấp khi đăng ký chương trình, check in hoặc tham gia các hoạt động tại đây. Các nhà tài trợ ở mức độ thấp hơn sẽ được truy cập thông tin người tham gia ở mức độ ít hơn.

Gói quyền lợi truy cập toàn bộ dữ liệu người dùng dành cho các nhà tài trợ  (Ảnh chụp màn hình)

Cụ thể, theo công bố từ phía Ban tổ chức thì chương trình này được tài trợ bởi các nền tảng giao dịch tiền mã hóa không phép như Titan Trading Platform, BingX, Hold Station và nền tảng xây dựng nội dung web3 Contentos. Các đơn vị tài trợ này, cùng một số dự án blockchain không có pháp nhân chính thức tại Việt Nam đã triển khai các quầy quảng cáo, giới thiệu dịch vụ, kêu gọi sinh viên mở tài khoản giao dịch một cách công khai.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, các bạn sinh viên tham dự còn được mời mọc tham gia một cuộc thi giao dịch (trading) với tên gọi ‘Rising-Z Champion', trong đó những người tham gia sẽ được thi đấu “quản lý danh mục đầu tư” bằng cách giao dịch một loại token có tên là VST do sàn giao dịch BingX cung cấp, với số lượng là 100.000 VST/người. Tại vòng chung kết, sàn này sẽ tài trợ 1.000.000 token VST cho mỗi người tham gia để làm “vốn” thi đấu.

Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức, HC Capital cũng giới thiệu khóa học ngắn hạn về Đầu tư tài chính và Quản lý tài chính cá nhân cho các bạn sinh viên, thậm chí còn giới thiệu khóa học nâng cao về Kinh tế, Công nghệ blockchain, dù giáo trình hay các tài liệu được sử dụng đều không được cơ quan có thẩm quyền nào thẩm định và cho phép giảng dạy chính thức tại các trường đại học.

Thực tế hiện nay, không riêng HC Capital mà gần đây nhiều sàn giao dịch không phép khác cũng liên tục “nhắm” vào đối tượng sinh viên và các bạn trẻ thông qua hàng loạt sự kiện công khai núp bóng đào tạo, hướng nghiệp, chia sẻ kiến thức nhưng thực chất là kêu gọi mở tài khoản và nạp tiền vào để giao dịch như BingX, Binance, MEXC... Các sàn giao dịch tiền mã hóa không phép này liên tục tổ chức nhiều hoạt động tiếp thị công khai ở khắp mọi nơi và nhắm vào đối tượng sinh viên, các bạn trẻ.

Tuy nhiên, với biến động giá hấp dẫn và những chiến dịch truyền thông lớn, phủ sóng rộng rãi, quà tặng hấp dẫn đánh thẳng vào lợi ích tài chính cùng việc thiếu hành lang pháp lý quy định cụ thể về hoạt động của các VASP, nhiều người dùng mà đặc biệt là sinh viên và các bạn trẻ vẫn bất chấp cảnh báo để đăng ký tham gia, mở tài khoản và nạp tiền giao dịch bất chấp các đơn vị này đều đang hoạt động trái phép tại Việt Nam.

 

 

PV
Theo báo ĐCSVN

undefined