chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Sáu tiềm năng, lợi thế để Quảng Nam tiếp tục phát triển bứt phá
12:00 | 18/03/2024
Sáng 16/3, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024.
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Quảng Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể tiếp tục phát triển bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, nổi bật là địa phương có khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước; có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ từ đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ kết nối vùng thông suốt; có vị trí địa chính trị rất quan trọng, có thể sẽ là một trung tâm kết nối vùng trong tương lai gần.
Quảng Nam còn được biết đến là địa phương đứng đầu cả nước về số liệt sĩ, số Mẹ Việt Nam Anh hùng, số Anh hùng lực lượng vũ trang, và kể cả số gia đình chính sách, thể hiện truyền thống bất khuất, anh hùng của Quảng Nam, hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đây là sức mạnh tinh thần lớn lao mà Quảng Nam có được và đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của mảnh đất này, Phó Thủ tướng phát biểu.
Quảng Nam cũng chính là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra rất nhiều người con ưu tú, đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, trong đó có đồng chí nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Các đồng chí đã, đang và sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ rất lớn của Trung ương.
Mảnh đất Quảng Nam có nền văn hoá lâu đời, có nhiều di sản văn hoá được thế giới công nhận nhưng quan trọng hơn, tính cách, sự quyết liệt, dũng cảm, sự cần kiệm, chịu thương chịu khó, chịu học, chăm chỉ làm việc của con người Quảng Nam sẽ tiếp tục là nguồn lực quan trọng để địa phương bứt phá trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong địa phương giữ được tư duy mạnh mẽ
để Quảng Nam có thể bứt phá trong thời gian tới như kỳ vọng - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn Quảng Nam để khởi động Năm khôi phục đa dạng sinh học quốc gia bởi nơi đây được thiên nhiên ban tặng đa dạng sinh học mà không nhiều địa phương khác có được. Đây là tiềm năng để Quảng Nam phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh của mình là một địa phương phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được tài sản quý giá của quốc gia và theo xu thế của thế giới là phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Phó Thủ tướng cho rằng ngay trong những năm đầu tiên sau khi tách tỉnh, do ý thức được trình độ phát triển của mình, Quảng Nam đã rất "chăm chút, chắt chiu kêu gọi đầu tư, cố gắng tạo môi trường đầu tư thuận lợi, và đồng hành cùng với nhà đầu tư để bây giờ ở Quảng Nam đã có những doanh nghiệp hàng đầu của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp".
Nhận định "Quảng Nam sẽ có sự bứt phá" của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 20 năm giờ đây đã trở thành sự thật, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tuy nhiên, những địa phương phát triển nhanh, mạnh và bứt phá thì hệ luỵ là có thể có những sai sót, khuyết điểm, thậm chí mất cán bộ. Vì thế, từ đáy lòng mình, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong địa phương một mặt khắc phục sớm thiếu sót đó nhưng mặt khác phải giữ được tư duy mạnh mẽ để Quảng Nam có thể bứt phá trong thời gian tới như kỳ vọng.
Về Quy hoạch và thực hiện Quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết Quảng Nam phải "tuân thủ" bởi giá trị lớn lao nhất của Quy hoạch là định hướng và giải pháp để thực hiện định hướng đó, nếu không khó đi đến đích như mong muốn.
Mặc khác, cũng phải "linh hoạt" trong cách làm, thậm chí có thể đối với những mục tiêu không có giá trị cốt lõi, có thể thay đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh bởi lẽ nói chuyện 6-7 năm tới, tầm nhìn 26 năm tới chắc chắn là điều không dễ, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Quy hoạch phải được triển khai bằng kế hoạch, phải "đồng bộ" với quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch vùng, ngành và một loạt quy hoạch cấp dưới vì nếu không đồng bộ với nhau thì không đủ điều kiện pháp lý để làm bất cứ việc gì.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý những người có trách nhiệm phải "thấu hiểu" để triển khai; doanh nghiệp và người dân phải "thấu hiểu" để ủng hộ, đồng hành cùng với chính quyền, cùng với chính quyền phát hiện những điểm chưa đúng, chưa tốt trong Quy hoạch này để kịp thời chỉnh sửa.
Phó Thủ tướng yêu cầu Quy hoạch tỉnh Quảng Nam phải được triển khai bằng kế hoạch, phải "đồng bộ" với quy
hoạch chung của cả nước, quy hoạch vùng, ngành và một loạt quy hoạch cấp dưới - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phấn đấu trở thành cực tăng trưởng quan trọng của miền Trung-Tây Nguyên
Theo Quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Với lĩnh vực kinh tế, Quy hoạch đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD.
Về kết cấu hạ tầng, Quy hoạch xác định đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn càng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F; cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Công nghiệp chế biến chế tạo là trụ cột chính của nền kinh tế
Quy hoạch cũng chỉ rõ phương hướng phát triển các ngành quan trọng, trong đó về công nghiệp, tỉnh sẽ tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, láp ráp ô tô, sảm phẩm cơ khí, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia.
Đối với ngành thương mại, dịch vụ và du lịch, Quy hoạch xác định phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại giữ vai trò chủ đạo; phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và hệ thống cảng biển Quảng Nam gắn với các khu phi thuế quan, khu công nghiệp.
Tỉnh sẽ xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang phục vụ hàng hoá từ Thái Lan, Lào vào Việt Nam và ngược lại.
Để đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, tỉnh sẽ phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm…; trọng tâm là phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, sự kiện, chăm sóc sức khoẻ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phấn đấu đứng đầu vùng về số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Quảng Nam sẽ chuyển đổi cây trồng vùng khô hạn, nhiễm mặn, các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi, các vùng chuyên canh rau màu, dược liệu có giá trị cao.
Phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất các sản phẩm OCOP, đưa Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu trong vùng về số lượng, chủng loại, chất lượng sản phẩm OCOP.
Hai vùng động lực, ba hành lang phát triển
Quy hoạch xác định vùng Đông của Quảng Nam là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp.
Trong vùng Đông, Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo, còn Hội An là đô thị sinh thái-văn hoá-du lịch, giao lưu quốc tế và Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.
Tỉnh sẽ phát triển mạnh thành phố Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh.
Trong khi đó, vùng Tây của Quảng Nam gồm các huyện miền núi là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác khoáng sản…
Quy hoạch cũng xác định ba hành lang phát triển của Quảng Nam, trong đó, hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đến ven biển sẽ tập trung cho công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.
Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía tây của tỉnh sẽ tập trung cho công nghiệp thuỷ điện, khai thác chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn và phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế.
Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến cửa khẩu quốc tế Nam Giang là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào, Bắc Campuchia.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, để triển khai có hiệu quả Quy hoạch, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, xác định rõ các nội dung cần thực hiện trong từng giai đoạn, các hạng mục, công việc, thời gian, tiến độ.
"Không phải vì một quy hoạch tỉnh có tương lai xán lạn mà vội vàng lập các quy hoạch cấp dưới chất lượng kém, hoặc thu hút doanh nghiệp năng lực yếu vào đầu tư mà không quan tâm đến môi trường sinh thái... Nếu cứ muốn làm nhanh để lấp cho đầy vì thành tích, vì nhiệm kỳ thì điều đó sẽ làm đồ án quy hoạch này không có ý nghĩa và sẽ nguy hiểm cho mai sau", ông Lê Trí Thanh khẳng định./.
Hải Minh
Theo VGP