Không chỉ chung cư cũ mà biệt thự cũ, các dự án xây dựng cao tầng trong nội đô và hàng loạt các vấn đề như di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô cũng đang gặp khó khăn. Theo các chuyên gia và các cơ quan quản lý, Hà Nội không thể giải quyết những nội dung này do Luật Thủ đô hiện hành thiếu quy định về các cơ chế đặc thù. Nhiều vấn đề lớn do lịch sử để lại đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm như các trục đường giao thông, thoát nước, nhà siêu mỏng, siêu méo...
Theo TS. Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, trường Đại học Luật Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2012 chưa có quy định khung để áp dụng xử lý các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển Thủ đô.
“Chúng ta cần phải sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng nhu cầu phát triển của Hà Nội. Khi sửa, chúng ta phải làm được hai việc. Thứ nhất là phải khắc phục được những hạn chế luật 2012 đã bộc lộ rất rõ. Thứ hai là phải tạo ra những chính sách mới vượt trội. Vượt trội ở đây thể hiện ở chỗ Luật Thủ đô sẽ phải thể hiện được dành cho Hà Nội những quy định vượt hơn. Hai là nó tạo ra căn cứ pháp lý, tạo ra động lực để Hà Nội có thể thực sự xứng đáng là đầu tàu của cả nước”, TS. Nguyễn Ngọc Bích nêu quan điểm.
Nhấn mạnh không nơi nào có nhiều di sản văn hóa như Hà Nội, cả vật thể và phi vật thể, PGS. TS Đặng Văn Bài hy vọng cơ chế mới cho Luật Thủ đô làm cho di sản văn hóa được sống trở lại, có vị trí trong đời sống xã hội, được phát triển và bảo tồn. "Ngoài phát triển du lịch tạo ra sinh kế cho cộng đồng, phải cho cộng đồng cư dân địa phương cộng sinh được với di sản văn hóa đó. Đấy là cách thu hút tốt nhất các nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhấn mạnh.