chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Tận dụng tối đa các cơ hội từ các FTA và mục tiêu tăng trưởng càng cao càng tốt
12:00 | 07/06/2024
Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ví như các tuyến cao tốc để nền kinh tế nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Bên cạnh việc tiến nhanh, tiến xa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đối diện những cơn gió ngược, “mưa nắng thất thường”. Vậy chúng ta phải làm gì, làm thế nào để tận dụng tối đa các thỏa thuận FTA đã ký để giúp tăng trưởng càng cao càng tốt?
FTA là chìa khóa để hội nhập quốc tế
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô cần ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đã đề ra
Báo điện tử Chính phủ xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết "Tận dụng tối đa các cơ hội từ các FTA và mục tiêu tăng trưởng càng cao càng tốt" nhằm cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn về các mặt tích cực, các khó khăn, rào cản cũng như các giải pháp để "vượt nắng, thắng mưa", vượt các "cơn gió ngược", biến thách thức thành cơ hội, biến các cơ hội thành động lực mới, nguồn lực mới, không gian mới cho sự phát triển, góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Bài 1: Tầm vóc mới của hàng Việt Nam trong "cơn gió ngược"
Kể từ FTA đầu tiên Việt Nam tham gia cách đây hơn 30 năm (với ASEAN) đến nay, chúng ta đã mở ra nhiều cánh cửa vào các thị trường tiềm năng. Những con số thống kê đã cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng hiện diện nhiều hơn tại nhiều thị trường khó tính, yêu cầu, tiêu chuẩn cao.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết, thực thi 16 FTA và 3 FTA đang đàm phán.
FTA mới nhất được ký kết trong năm 2023 là FTA với Israel (VIFTA) đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản,Trung Quốc, EU, Anh, Nga...Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi, trong đó có việc thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp, đại dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn.
Ảnh VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 6 "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam. Đó là suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia; các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất, có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong bối cảnh đó, công tác ngoại giao kinh tế đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong khoảng 1 năm rưỡi qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 6 hội nghị ngoại giao kinh tế, với yêu cầu ngoại giao kinh tế phải có đột phá trong năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần chỉ đạo đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết, củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc… đồng thời mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông - Châu Phi, Mỹ La tinh, thị trường Halal… hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh…
Trên thực tế, bằng việc tận dụng hiệu quả các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, giai đoạn 10 năm (từ 2013-2022), mức tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định FTA là 12,7%/năm. Con số này cao hơn mức tăng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu (12,5%/năm giai đoạn 2013-2022).
Năm 2023 là năm thứ 8 Việt Nam xuất siêu liên tiếp, với con số kỷ lục hơn 28 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới.
Những thị trường "sao sáng"
Một điểm mốc được Chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS. Doãn Hữu Tuệ nhắc đến trong cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ là thời điểm năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 372 tỷ USD.
Các FTA đã giúp Việt Nam gia tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu, với mức tăng trưởng hơn 20%, một số thị trường tăng hơn 30%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang các thị trường FTA là hơn 30 tỷ USD.
"Cũng năm 2022, nhờ thực thi EVFTA, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm trước; xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8%.
Tương tự với UKVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so với năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang Anh tăng trưởng rất tốt, cho giá trị cao như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau, quả, may mặc, giày dép… và đã có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%", ông Tuệ phân tích.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), thị trường Anh là một trong những thị trường rất đáng chú ý, ghi dấu ấn rõ nét cho tác dụng của Hiệp định thương mại UKVFTA.
Theo đó, 65% thuế quan đã được xoá bỏ đối với thương mại Việt Nam-Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi hiệp định có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam.
Những ưu đãi đó đã thể hiện bằng con số khi năm 2021 (một năm sau khi UKVFTA có hiệu lực), xuất nhập khẩu hai chiều tăng rất mạnh, đặc biệt là từ phía Vương quốc Anh tăng trưởng đến 24%, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh cũng tăng trưởng 19%.
Sang năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh vẫn duy trì tăng 1,9% và đặc biệt nhập khẩu từ Vương quốc Anh tăng trưởng khoảng gần 3%.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocharm) tại Việt Nam đánh giá: EVFTA đã giúp Việt Nam vươn lên chiếm ưu thế trở thành một trong hai nước ASEAN duy nhất (cùng với Singapore) có hiệp định thương mại tự do với EU.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng từ khoảng 35 tỷ euro năm 2019 lên hơn 48 tỷ euro năm 2023.
Chủ tịch Eurocharm cũng nhìn nhận: EVFTA đã và đang góp phần củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư châu Âu, tạo "cú huých" hút dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam.
EVFTA góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2,450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ euro. Cho dù, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) vẫn đang trong quá trình phê chuẩn, chưa được thực thi.
"Trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm, các 'đại bàng' EU vẫn tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và "rót" hơn 800 triệu euro vào Việt Nam từ tháng 1-9/2023", ông Dominik Meichle nói.
Tại châu Á, theo TS. Cao Mạnh Cường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các FTA giữa Việt Nam và Nhật Bản (gồm VJEPA, CPTPP, RCEP) đã và đang trở thành trợ lực thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
Chỉ trong vòng 10 năm (từ 2009 – 2019), quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam-Nhật Bản đã tăng từ 16 tỷ USD lên 42,7 tỷ USD vào năm 2021. Năm 2022, con số này đạt 47,6 tỷ USD. Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, phản ánh mối quan hệ kinh tế năng động giữa hai nước.
Mục tiêu chính của Hiệp định RCEP là tạo thuận lợi về hàng hóa, do vậy, Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào để thúc đẩy xuất khẩu. Chẳng hạn, Việt Nam tận dụng được bã thải từ rượu, bia hay nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, Hàn Quốc để sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản. Các quy tắc về xuất xứ hàng hóa sang thị trường Nhật Bản không có nhiều khác lạ, bởi doanh nghiệp Việt Nam đã rất quen thuộc với những quy tắc này tại thị trường các nước ASEAN.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam
Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau 5 năm thực thi, đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khối thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực, đặc biệt là đối với các thị trường trọng điểm như Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Mexico...
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam ngày 26/3/2024, bà Mary Ng, Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada đã vui mừng thông báo: "Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Canada đã tăng trưởng 170%, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước trở thành "ngôi sao sáng". Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả 2 nước và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để đạt thêm nhiều thành công mới".
"Chắp cánh" cho nông sản Việt Nam
Từ khía cạnh các ngành hàng, hưởng lợi lớn từ các thỏa thuân FTA đã ký kết, trong danh mục nông sản, đầu tiên phải kể đến thuỷ sản.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP với số lượng lớn nhất, chiếm tới 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tại Australia, tôm Việt Nam được người dân rất ưa chuộng. Nếu như năm 2019 xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt 127 triệu USD thì hết năm 2022 (1 năm sau khi RCEP có hiệu lực) con số này đã tăng gấp đôi, lên 272 triệu USD.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, người dân ngày càng ưa dùng tôm Việt Nam, từ nhà hàng cho tới hệ thống siêu thị lớn của Australia, cho đến các cửa hàng, siêu thị tiện ích…
Thế mạnh của tôm Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường này không chỉ ở chất lượng, khả năng cung ứng mà còn do trình độ chế biến hàng giá trị gia tăng. Đáng chú ý, Australia đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ các nước khácdo trình độ chế biến chưa cao bằng Việt Nam.
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhìn nhận: Nhờ lợi thế từ các FTA, hàng thủy sản Việt Nam đã tăng được tính cạnh tranh, bù đắp được sự sụt giảm do các yếu tố khách quan mang lại, nổi bật nhất phải kể đến kết quả năm 2022 khi kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt mức kỷ lục 11 tỷ USD.
"Sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu vào Australia tăng 58%, Nhật Bản tăng 9%, Malaysia tăng 6%... Đặc biệt, 2 thị trường chưa từng tham gia vào các FTA nào với Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể, như Chile tăng 9% và Peru tăng 34%", ông Trương Đình Hoè nói.
Mặt hàng gạo, một trong những thế mạnh của Việt Nam, cũng rộng cửa vào thị trường EU. EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2023, xuất khẩu gạo sang EU tăng 10% về sản lượng và giá trị so với năm 2022, đạt khoảng 104.000 tấn, kim ngạch 71,7 triệu USD - con số cao nhất từ trước đến nay thể hiện rõ nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng lợi thế từ EVFTA.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với gạo ở các thị trường khác. Dù khối lượng xuất khẩu gạo sang EU không nhiều, nhưng Việt Nam đã xuất khẩu được những chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm cho giá trị cao.
Cùng chung niềm vui với mặt hàng gạo, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả trong nước đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực.
Hiện, EU là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả. Nếu như năm 2023, xuất khẩu rau quả sang EU tăng 30% so với năm 2022 thì năm nay, dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng 2 con số, ước đạt hơn 300 triệu USD.
Tự hào là sản phẩm xuất khẩu đứng thứ hai thế giới – cà phê Việt Nam cũng là mặt hàng được hưởng lợi lớn từ các hiệp định FTA.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn, đạt trên 4,05 tỷ USD. Riêng thị trường EU chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước. Sang năm 2023, EU đã chi khoảng 1,66 tỷ USD mua cà phê từ các nhà cung ứng Việt Nam.
EVFTA đã giúp ngành cà phê gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần tại đây. Hiện, EU vẫn đang là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới và Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU (chỉ sau Brazil).
Tận dụng tốt "tấm hộ chiếu" C/O
Cùng với nỗ lực tuyên truyền của các cơ quan chức năng, địa phương, truyền thông, việc chứng minh xuất xứ hàng hoá ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) giữ vai trò như "chìa khoá vàng" giúp doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu. Đặc biệt là giúp hàng hoá tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các thoả thuận thương mại từ các FTA đã được thực thi.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 230,5 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi tương đối ổn định, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường.
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 37,35% cùng với tốc độ tăng trưởng 9,2% cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng tốt hơn các FTA dù trong bối cảnh kinh tế - chính trị có nhiều diễn biến phức tạp.
Cũng theo Bộ Công Thương, tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 37,35% không có nghĩa là 37,35% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao. Một trong những nguyên nhân là thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) tại một số thị trường như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) đã là 0% nên hàng hóa không cần phải có C/O ưu đãi mới được hưởng mức thuế 0%.
Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore được cấp C/O ưu đãi (620 triệu USD) chỉ chiếm 14,1% trong gần 4,4 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước đối tác khác có thuế suất MFN ở mức thấp (1 - 2% hoặc tương đương với thuế FTA) nên nhiều thương nhân không đề nghị cấp C/O.
Có thể thấy, những con số 'biết nói' nêu trên chính là sự đánh giá hiệu quả nhất về tác động của các FTA đối với nền kinh tế Việt Nam. Thông qua công tác hội nhập, Việt Nam đã và đang trở thành cửa ngõ quan trọng bởi giờ đây đầu tư vào Việt Nam là có thể tiếp cận được với hầu hết các thị trường lớn của thế giới.
Các năm 2022, 2023, vốn FDI vào Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới. Năm 2023, tổng vốn đăng ký lên tới hơn 36 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 23 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Tiếp tục xu hướng này, 5 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 11 tỷ USD, tăng 2%, trong đó vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8%, cao nhất từ năm 2020 tới nay.
Nhóm PV
Theo VGP