chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Tạo động lực phát triển thị trường sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lai Châu
12:00 | 11/10/2024
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là khu vực tập trung nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản chất lượng. Vì vậy, việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm vùng miền núi, đồng bào dân tộc luôn là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển thị trường, tạo ra nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và phát triển sản xuất, tiêu thụ cho sản phẩm cho khu vực này.
Đưa sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến với người tiêu dùng
Lai Châu có 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ và Si La. Là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nhưng đây lại là địa phương có nhiều nông sản thế mạnh. Lai Châu có điều kiện tự nhiên phù hợp trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: chè, mắc ca, cây ăn quả, dược liệu, rau củ, hoa, lúa… Những năm qua, tỉnh đã phát triển, mở rộng thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như mắc ca, chuối, lúa Tẻ râu… tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên. Nhiều sản phẩm nông sản của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn; đặc biệt được người tiêu dùng tin dùng.
Để tìm đầu ra cho các sản phẩm, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất, đồng thời góp phần quan trọng vào hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, nhiều thương hiệu đặc sản của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được hình thành.
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; xây dựng các mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của tỉnh; có kế hoạch phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa; kế hoạch chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và các kế hoạch, đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó đã tạo điều kiện để phát triển thị trường hàng hoá cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thúc đẩy phát triển thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Có thể thấy, thông qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS & MN đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với những tiềm năng rất lớn của sản phẩm vùng đồng DTTS & MN, việc kết nối, phát triển thị trường thời gian qua mới chỉ đáp ứng được phần nào. Các nhà sản xuất khu vực miền núi, đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra"nông sản, đặc sản", việc vận chuyển và đưa sản phẩm của mình vào hệ thống phân phối lớn…
Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương, thời gian qua, Sở Công Thương Lai Châu đã tích cực triển khai công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước, xuất khẩu và trên các sàn thương mại điện tử. Cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thuế quan, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu kịp thời thông tin đến tổ chức, cá nhân có hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu thị trường.
Nhiều sản phẩm nông sản của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Lai Châu đã
có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn và được
người tiêu dùng tin dùng. (Ảnh: congthuong.vn)
Theo ông Lê Xuân Tiến, Phó Giám đốc sở Công thương: Việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản đã và đang được tỉnh tăng cường thực hiện đã thực sự trở thành cầu nối thúc đẩy, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là từng bước tiếp cận được thị trường quốc tế.
“Thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu, sở Công thương đã phối hợp với các sở, UBND các huyện và thành phố đã tập trung tiêu thụ cũng như hỗ trợ sản xuất các mặt hàng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sở Công thương đã thông qua chương trình tổ chức các tuần hàng tại Hà Nội và Hải Phòng để quảng bá giới thiệu các sản phẩm của đồng bào DTTS tới người tiêu dùng, ngoài ra chúng tôi cũng tuyên truyền quảng bá trên các kênh thương mại điện tử cũng như giới thiệu tại các TTTM các hệ thống siêu thị để kích ứng tiêu thụ sản phẩm”. Ông Lê Xuân Tiến thông tin thêm.
Thanh Thủy