chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Thu hút FDI: Xác định 'nút thắt', đặt kế hoạch hành động toàn diện, viết tiếp câu chuyện thành công
12:00 | 06/03/2024
Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường nhờ giá cả cạnh tranh; sự hỗ trợ của chính phủ ổn định, xuyên suốt; nhiều FTA và nguồn lao động dồi dào.
Nối tiếp thành công
2 tháng đầu năm 2024, đầu tư trực tiếp vào nước ngoài (FDI) viết tiếp câu chuyện thành công đã đạt được kể từ giữa năm 2023. Năm ngoái, Việt Nam thu hút trên 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng trên 32% so với năm 2022.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù 2 tháng đầu năm nay, cả nước nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thân - kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm, nhưng vẫn có 405 dự án có vốn đầu tư FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng hơn 55% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Điều đáng mừng, Việt Nam tiếp tục thu hút được “đại bàng về làm tổ”, với 2 dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, tổng cộng khoảng 1,1 tỷ USD.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, 2 tháng đầu năm 2024 là đà tiếp nối những gì Việt Nam đạt được trong thu hút FDI những tháng cuối năm 2023.
Ông Phương cho rằng, thông thường, khi báo cáo, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng mấy phần trăm đã là khủng khiếp lắm rồi. 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng tới 38,6%, điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm tới Việt Nam.
"Tình hình giải ngân cũng vô cùng tích cực, tăng đến 9,8% - tương đương với 2,8 tỷ USD. Điều này cho thấy các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất cụ thể.
Thêm vào đó, chúng ta có tỉ lệ về vốn mới, dự án mới rất cao. Điều này báo hiệu một tín hiệu hết sức tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng của chúng ta trong năm 2024 và 2025", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng
Giống như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, những năm qua, Việt Nam đã được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đáng kể khỏi Trung Quốc.
Theo một khảo sát của Hiệp hội thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, 60% công ty Mỹ đang ngày càng quan ngại về những căng thẳng song phương và hơn 40% đã phản hồi rằng họ đang tìm cách gia tăng đầu tư nhằm củng cố sự vững vàng cho chuỗi cung ứng của họ.
Trong khi đó, trên 50% cho biết, đối với doanh nghiệp Mỹ, Đông Nam Á vẫn là điểm đến hàng đầu để chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc.
Một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cũng cho thấy, các công ty châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ tiếp tục xem xét chiến lược chuỗi cung ứng của họ với ASEAN. Đây cũng là điểm đến hàng đầu cho những chiến lược chuyển dịch đầu tư này.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, thời gian tới, các chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp tục phát triển và dịch chuyển. Một xu thế sẽ trở nên phổ biến chính là nhiều nền kinh tế có động thái giảm rủi ro trong thương mại với Trung Quốc.
"Xu thế này sẽ diễn ra bất chấp thực tế gần 70 quốc gia trên toàn cầu coi Trung Quốc như nguồn nhập khẩu chính của họ. Và chính ASEAN lại được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa thương mại này và Việt Nam nằm trong nhóm các nước được hưởng lợi nhiều nhất", ông Tim Evans khẳng định.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, hiện tại, các doanh nghiệp phương Tây đang kiếm tìm giải pháp nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đang đa dạng hóa nguồn hàng sang các thị trường châu Á khác như Việt Nam và Ấn Độ.Khu vực này đang thu hút FDI nhiều hơn Trung Quốc và đáng chú ý nhất là FDI vào lĩnh vực sản xuất.
Vì vậy, để đón "làn sóng" này, theo ông Tim Evans, chiến lược của chính phủ Việt Nam nên khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN, đồng thời cũng nên đánh giá thêm các thị trường khác chẳng hạn như Ấn Độ hay Mexico.
Singapore và Malaysia đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch. Trong khi đó, Thái Lan đã trở thành một chuỗi cung ứng ô tô và nhà cung ứng cho xe điện có chỗ đứng nhất định. Indonesia cũng đang nhắm tới hệ sinh thái xe điện với nguồn nickel dồi dào và thị trường ô-tô trong nước rộng lớn.
Còn Việt Nam, ông nhận định, đất nước đang từ từ dấn thân vào cả thị trường xe điện lẫn chất bán dẫn khi hướng đến gia tăng tập trung vào hàng hóa giá trị cộng thêm cao. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường nhờ giá cả cạnh tranh; sự hỗ trợ của chính phủ ổn định, xuyên suốt; nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nguồn lao động dồi dào.
"Việt Nam cần xác định đâu là 'nút thắt' gây khó nhà đầu tư nước ngoài, từ đó, đặt ra kế hoạch hành động toàn diện và khả thi để tháo gỡ khó khăn này", ông Tim Evans gợi ý.
Qua những cuộc trao đổi với khách hàng, Tổng giám đốc HSBC đã chỉ ra ba điểm có thể khiến nhà đầu tư "chùn bước".
Thứ nhất, chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động cũng như nhu cầu liên tục cải thiện năng suất trong quá trình Việt Nam vươn lên trên nấc thang chất lượng. Việt Nam vẫn đứng sau những thị trường ASEAN lớn về năng suất lao động với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp ở mức 9,7 - so với mức 10-26 của các nước khác.
Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam cũng bị tụt lại phía sau Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy suất…
Thứ ba, thích ứng với môi trường pháp lý tiếp tục là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.
Theo khảo sát HSBC Global Connection, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.
Ông Tim Evans nêu quan điểm: "Xây dựng khung pháp lý ổn định và dễ vận dụng sẽ là một bước tích cực trong thu hút thêm các bên tham gia đầu tư vào thị trường".
Với những thành quả đã "gặt hái" được trong 2 tháng đầu năm 2024; cùng sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân; tin tưởng rằng, thu hút FDI vào Việt Nam sẽ giữ vững phong độ, viết tiếp câu chuyện thành công của năm 2023.
Gia Thành
Theo Baoquocte