Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất”

12:00 | 20/02/2024

Lãnh đạo Bộ Tài chính đặt mục tiêu cho ngành chứng khoán đưa thị trường chứng khoán Việt Nam có bước phát triển mới về chất, nâng hạng trong thời gian sớm nhất.

Sáng nay, 19/2, tức mùng 10 Tết Giáp Thìn, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức lễ đánh cồng khai trương giao dịch đầu xuân mới.

Theo HOSE, trong năm 2023, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 736,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên 15.120 tỷ đồng; tương ứng tăng 12,62% về khối lượng bình quân và giảm 11,07% về giá trị bình quân so với năm 2022. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,55 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 93,3% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 47,9% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).

Lãnh đạo HOSE cho biết, năm 2024, HOSE đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai bao gồm tổ chức hoạt động giao dịch chứng khoán ổn định, an toàn và thông suốt; nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, thúc đẩy hoạt động quản trị công ty cũng như phát triển bền vững tại các doanh nghiệp niêm yết; nâng cao năng lực và chất lượng công tác giám sát, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giám sát và chuẩn hóa dữ liệu giám sát…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, nhìn lại năm 2023, nền kinh tế Việt Nam vượt qua rất nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng chúng ta vẫn đạt được những kết quả quan trọng, tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán. Các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ hay nợ nước ngoài đều trong kiểm soát, dưới ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép, chỉ số lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô nền kinh tế được giữ vững.

“Trên nền tảng kinh tế vĩ mô như trên, thị trường chứng khoán năm 2023 vừa qua tiếp tục phát triển bền vững. Đây không phải là nhận định của Bộ Tài chính hay riêng cơ quan quản lý nhà nước mà là nhận định chung của thị trường, từ nhiều góc nhìn, từ các thành viên thị trường, các chuyên gia… Chúng ta rất mừng thị trường có nhiều cải thiện đáng kể, thị trường phát triển với sự thượng tôn pháp luật, có kỷ luật kỷ cương, quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả chủ thể tham gia thị trường được đảm bảo, được tôn trọng”, lãnh đạo bộ chia sẻ.

Theo Thứ trưởng, thành tựu của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2023 giúp củng cố niềm tin thị trường, qua đó thị trường vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, cho Chính phủ, cho doanh nghiệp. Lãnh đạo bộ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của thị trường, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, thành viên thị trường, các nhà đầu tư, các tổ chức…

Với 2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng chúng ta vẫn đối mặt với sự khó lường của kinh tế thế giới, thuận lợi khó khăn đan xen. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động đưa ra các giải pháp để thị trường tiếp tục phát triển.

Cụ thể, trong quý 1/2024 này, Bộ cùng Uỷ ban Chứng khoán tổ chức một hội nghị phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) với sự tham gia đông đảo các thành viên thị trường, các bộ ngành, các chuyên gia… hướng tới các mục tiêu của thị trường đã được Thủ tướng phê duyệt trong chiến lược phát triển TTCK. Và để đạt được các mục tiêu, Thứ trưởng đề cập một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong 2024 cũng như thời gian tới.

Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục rà soát các quy định khuôn khổ pháp lý liên quan trực tiếp tới thị trường chứng khoán, đó là Luật Chứng khoán, các Nghị định 155, Nghị định 156, các văn bản dưới Luật Chứng khoán. Bên cạnh đó, chủ động rà soát quy định một số luật khác có liên quan tới thị trường như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các quy định có tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới thị trường. Nếu có những quy định cần thiết bổ sung thì kiến nghị sửa đổi, tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp, hiệu quả.

Thứ hai, chúng ta phải tiếp tục duy trì hệ thống giao dịch thị trường, hệ thống thanh toán vận hành ổn định, an toàn, là điểm tựa thị trường. Các sở, công ty lưu ký chứng khoán tiếp tục triển khai mọi giải pháp để duy trì hệ thống vận hành ổn định, an toàn.

Thứ ba, nhiệm vụ đảm bảo giám sát, kiểm tra hoạt động hiệu quả thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Như các cơ quan thanh tra giám sát đề cập là không có vùng cấm. Tất cả các trường hợp vi phạm cố gắng phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, tăng tính răn đe để đảm bảo tất cả quyền, lợi ích hợp pháp, không để chủ thể nào trục lợi.

Thứ tư, mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam có bước phát triển mới về chất, nâng hạng trong thời gian sớm nhất. Chúng ta phải chủ động thực hiện các giải pháp để TTCK bước lên hạng mới. Đòi hỏi nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, sở GDCK, công ty lưu ký, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp niêm yết… để có một thị trường ở thang bậc mới trong xếp hạng. Năm 2024 này chúng ta cụ thể hóa và tiến nhiều nhất có thể.

Cuối cùng là việc thông tin truyền thông tới công chúng đầu tư, tới tất cả người quan tâm tới TTCK một cách tốt nhất, minh bạch, nhanh nhất, để mọi người hiểu TTCK nhiều hơn, sâu sắc hơn, để khi tham gia thị trường tự giác chấp hành quy định pháp luật.

“Hội nghị phát triển thị trường sắp tới sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ đề cập các giải pháp dài hơn, cụ thể hơn. Cá nhân tôi có niềm tin sâu sắc rằng, thị trường năm 2024 hoàn toàn có cơ sở tiếp tục phát triển ổn định trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đem lại lợi ích cho các chủ thể tham gia thị trường và không tham gia thị trường cũng hưởng lợi thông qua phát huy vai trò của thị trường, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

undefined